Những thương hiệu tiên phong trong lịch sử hi-fi: Pioneer (phần 4)

Bước sang giai đoạn thập niên 90, những khó khăn vẫn bám đuổi Pioneer, buộc họ phải đưa ra nhiều quyết định quan trọng ảnh hưởng đến tương lai sau này.

Bong bóng kinh tế Nhật Bản bắt đầu từ tháng 12 năm 1986 và kết thúc vào tháng 2 năm 1991, sau đó đất nước này chuyển sang giai đoạn trì trệ kinh tế kéo dài. Pioneer cũng giống như hầu hết các hãng sản xuất thiết bị điện tử của Nhật, chịu tác động nặng nề của điều kiện kinh tế khó khăn lúc bấy giờ. Rất nhiều công ty nhận thấy rằng đồng yên có giá trị quá khiến, khiến hàng xuất khẩu của Nhật trở nên đắt đỏ, từ đó kéo theo tăng giá nhân công. Để đối phó với điều này, Pioneer cùng nhiều công ty khác đã chuyển dịch một số bộ phận sản xuất của họ ra khỏi phạm vi Nhật Bản. Pioneer đã tăng gấp đôi công suất của nhà máy sản xuất thiết bị audio ở Anh, đồng thời xây dựng thêm chi nhánh ở Mexico để cung cấp hệ thống âm thanh xe hơi cho thị trường Bắc Mỹ. Năm 1995, công ty này cũng thành lập một chi nhánh khác ở Bồ Đào Nha để sản xuất hệ thống âm thanh xe hơi.

pioneer vintage hifi klassiker

Dù vậy, cho đến giữa thập niên 90, có đến 2/3 các sản phẩm của Pioneer vẫn được sản xuất tại Nhật Bản, và mặc dù họ vẫn giữ được danh tiếng của một thương hiệu sản xuất thiết bị chất lượng cao, mức giá cao của sản phẩm đã khiến họ phải liên tiếp cạnh tranh và chịu thất thế trước các đối thủ như Aiwa Co. Ltd. Cứ như vậy, Pioneer dần mất đi thị trường của mình. Năm 1995, thương hiệu này lại tiếp tục mạo hiểm khi quyết định đầu tư vào máy tính cá nhân, ra mắt thế giới mẫu máy nhái lại của Apple Macintosh. Tuy nhiên, chiếc máy này nhanh chóng thất bại tại chính thị trường Nhật Bản vì khách hàng rất chuộng các mẫu PC sử dụng hệ điều hành Windows. Thất bại này cùng nhiều khó khăn khác, cộng với việc đĩa laser chẳng còn đủ sức để thu hút đại chúng đã khiến Pioneer thua lỗ hai năm tài chính liên tiếp 1995 và 1996.

pioneer first speaker

Rất nhanh chóng, sau khi năm tài chính 1996 kết thúc, Seiya Matsumoto rời khỏi vị trí chủ tịch tập đoàn và trở thành chủ tịch hội đồng quản trị của công ty. Trong khi đó, Kaneo Ito, người phụ trách mạng lưới sales của công ty ở khu vực châu Âu được bổ nhiệm làm chủ tịch mới. Pioneer nhanh chóng đưa ra biện pháp giới hạn, tìm cách cắt giảm nhân sự đi 9%, tương đương với 650 người, đồng thời chuyển dịch dây chuyền sản xuất sang Đông Nam Á nhiều hơn. May mắn thay, Ito lên nắm quyền đúng vào thời điểm Pioneer đã đưa ra thị trường hoặc đang phát triển một vài sản phẩm mới đầy hứa hẹn. Họ đã giới thiệu hệ thống định vị / dẫn đường đầu tiên cho xe hơi tại thị trường Nhật Bản vào năm 1990 và đang dẫn đầu trong lĩnh vực này ở Nhật Bản. Công ty cũng thành công với các thiết bị set-top-box cho hệ thống truyền hình cáp và truyền hình vệ tinh. Hơn nữa, họ còn là đơn vị tiên phong với thành quả nghiên cứu màn hình plasma siêu mỏng, hình ảnh chất lượng cao cho TV và các thiết bị khác.

Năm 1997, Pioneer giới thiệu PDP-501HD, màn hình plasma đầu tiên trên thế giới có khổ rộng, kích thước 50 inch với độ phân giải cao, nhắm vào thị trường tiêu dùng phổ thông. Bên cạnh đó, họ không còn cố bám víu vào công nghệ đĩa laser đang ngày càng mờ nhạt đi nữa mà cùng với một số hãng sản xuất thiết bị điện tử khác phát triển và làm marketing cho công nghệ DVD, vốn có tiềm năng không chỉ thay thế đĩa laser mà thậm chí cả videocassette. Giữa năm 1996, Pioneer thành lập Pioneer Music Group, Inc., trung tâm âm nhạc tập trung sản xuất các bản thu nhạc rock, alternative và Christian.

pioneer ts w201

Cho đến năm 1997 và 1998, tình hình tài chính của Pioneer có phần ổn định hơn và họ đã có lợi nhuận trở lại, một phần là bởi giá trị đồng yên so với đô la đã bắt đầu giảm. Năm 1997, Pioneer tổ chức lại bộ máy hoạt động, chia ra làm ba đơn vị chính: Home Entertainment Company bao gồm các đơn vị liên quan đến home audio và home video, Mobile Entertainment Company phụ trách cho mảng thiết bị âm thanh xe hơi và thiết bị liên lạc di động, Business Systems Company đảm nhiệm các sản phẩm doanh nghiệp, thiết bị công nghiệp. Tháng 5/1998, Display Products Company được thành lập với tư cách là đơn vị thứ tư, chuyên về các hoạt động liên quan đến sản xuất màn hình plasma và các loại màn hình sau đó. Chỉ chưa đến 3 tháng tiếp theo, Pioneer giới thiệu chiến lược mới có tên là Tầm nhìn 2005, qua đó cho thấy sự tập trung vào bốn mảng chính: công nghệ DVD, công nghệ màn hình, hệ thống mang digital và phát triển các công nghệ mới. Họ cũng đồng thời đặt ra mục tiêu đạt doanh thu 9 tỉ đô la trước năm 2005. Bên cạnh chiến lược mới, họ cũng đồng thời tạo ra logo mới thay thế cho logo hình âm thoa huyền thoại. Đây cũng là dấu chấm hết cho thời kỳ “Đĩa laser” nổi tiếng trong lịch sử của Pioneer.

(Hết kỳ 4)

Những thương hiệu tiên phong trong lịch sử hi-fi: Pioneer (phần 1)

Những thương hiệu tiên phong trong lịch sử hi-fi: Pioneer (phần 2)

Những thương hiệu tiên phong trong lịch sử hi-fi: Pioneer (phần 3)
Bạn có thể tham khảo sản phẩm khác tại đây

Lịch sử hình thành thương hiệu Audio Research

Nguyễn Hào