Các audiophile đều biết rằng với sự thay đổi liên tục về yêu cầu chất lượng âm thanh, nhiều cải tiến trong cấu trúc liên kết bộ khuếch đại âm thanh audio ampli đã xuất hiện. Từ khi mạch class A xuất hiện vào đầu thế kỷ 20, rất nhiều loại mạch khuếch đại khác đã ra đời để cải thiện nhược điểm của nó. Ngày nay, mạch ampli class A/B là mạch khuếch đại được sử dụng cực kỳ rộng rãi do khả năng thể hiện chất lượng âm thanh không kém gì class A, nhưng hiệu suất cao chẳng khác gì class B.
Những yêu cầu, đòi hỏi về một mạch khuếch đại siêu tiết kiệm điện năng cho các thiết bị di động đã dẫn đến sự ra đời của class D. Mạch này có hiệu suất rất cao, từ 80 % trở lên. Tuy nhiên, thiết kế mạch khuếch đại class D thường bị đánh giá là chất lượng âm thanh không cao, nghe không giống âm thanh gốc ban đầu.
Để giải quyết giữa bài toán sử dụng điện năng hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo được chất âm, năm 2010, Bladelius đã cho ra mắt một chiếc ampli khá đặc biệt. Đó chính là Ask, chiếc ampli sử dụng mạch khuếch đại lai giữa class A và class A/B đầu tiên của hãng.
Ask trong thần thoại Bắc Âu là một trong hai con người đầu tiên được các vị thần tạo ra từ hai nhánh cây trôi dạt vào bờ biển – Ask và Embla. Từ sự tích này, các kỹ sư ở Bladelius đã đặt tên cho chiếc ampli lai mạch đầu tiên của họ là Ask và phối ghép cùng chiếc ampli này là pre-amp Embla. Xuất phát từ ý tưởng “xanh” của xe hybrid khi sử dụng kết hợp giữa động cơ đốt trong và động cơ điện, giờ đây Bladelius cũng khiến các audiophile tự hào vì có riêng thiết bị “xanh” của mình – chiếc power-amp Ask.
Ask có vẻ ngoài khá ấn tượng, khác hẳn thiết kế truyền thống của hãng. Toàn bộ thiết bị được làm từ aluminum cao cấp mang màu trắng bạc, thế nhưng riêng mặt trước sử dụng màn hình màu đen rất lớn, chiếm đến 4/5 diện tích, phía dưới có in dập nổi hàng chữ “Bladelius” đúng với truyền thống của hãng. Trên nắp vỏ máy có in dập nổi tên thiết bị rất lớn ở giữa hai hàng lưới lỗ tản nhiệt. Mặc dù là ampli bán dẫn, chất âm của Ask không hề thua kém bất cứ ampli đèn sử dụng nguồn analog nào. Kích thước của ampli Bladelius là 440 x 125 x 445mm, nặng 25kg. Như vậy, Ask khá nhỏ so với các power-amp cao cấp của hãng, kích thước của thiết bị chỉ ngang bằng các ampli tích hợp như Thor, Tyr hay Brage.
Power-amp Bladelius Ask là một chiếc ampli hai kênh rất đặc biệt. Do sử dụng hai mạch khuếch đại khác nhau, chiếc ampli này có tới bốn mức công suất đầu ra khác nhau. Khi sử dụng mạch class A/B, công suất đầu ra mỗi kênh là 165 Watt/8 Ohm, 330 Watt/4 Ohm. Đối với mạch class D, công suất đầu ra mỗi kênh là 140 Watt/8 Ohm và 280 Watt/4 Ohm. Mức công suất tuy không quá dồi dào như chiếc power-amp khổng lồ Ymer Mk2 nhưng chừng ấy vẫn đủ để giúp Ask phối ghép được với hầu hết các mẫu loa đang phổ biến trên thị trường.
Ask cũng là một ví dụ điển hình cho triết lý thiết kế đơn giản nhưng hiệu quả của Bladelius. Mặt trước của thiết bị cực kỳ đơn sơ, chỉ có màn hình lớn và hai nút bấm “Standby” và “Mode”. Mặt sau cũng đơn giản không kém, ngoại trừ ổ cắm dây AC và công tắc tổng, chỉ có hai công tắc gạt hai cặp jack đầu vào gồm một cặp RCA và một cặp XLR và bốn cọc loa chia thành hai kênh trái phải. Công tắc gạt đầu tiên để lựa chọn chế độ standby, theo như Bladelius thì một chế độ sẽ cho ra âm thanh tốt nhất, một chế độ tiết kiệm điện bằng cách chỉ tiêu thụ 0.5 watt khi chuyển về standby, nhưng khi kích hoạt lại cần có nhiều thời gian chờ hơn trước khi có thể hoạt động hết công suất.
Ask thú vị ở chỗ nó giống như một chiếc ampli hai trong một nhờ sử dụng hai mạch khuếch đại khác nhau. So với mạch class A, mạch điện tử class D tiết kiệm điện hơn hẳn cả trong quá trình hoạt động bình thường cũng như khi bật chế độ standby. Để giúp ampli tiết kiệm điện hơn, Bladelius còn thiết kế thêm chế độ “Green mode”, kích hoạt thông qua nút “Mode” ở mặt trước ampli. Với chế độ này, ampli sẽ giảm điện năng tiêu thụ xuống, không sử dụng hết công suất của mình. Cấp điện cho máy là một biến áp xuyến không quá to, đường kính chỉ khoảng 4.6cm. Các linh kiện sử dụng cho ampli đều là linh kiện chất lượng cao, được lựa chọn rất kỹ càng trước khi lắp ráp.
Vì sử dụng mạch class D, một điều đáng lo là chất âm của Ask sẽ bị cứng, không ấm áp và mang dải midrange cực thiếu tự nhiên, một hiện tượng rất thường gặp ở các thiết bị số. Mối lo ấy đã bị dẹp bỏ khi những âm thanh đầu tiên từ dàn phối ghép sử dụng Ask làm power-amp cất lên, rất giàu cảm xúc, âm trường đủ rộng và âm tầng đủ sâu. Âm nền khá tối và rõ, thừa khả năng để làm nổi bật các dải âm khác nhau với những nhạc cụ khác nhau. Ngay cả khi bật chế độ tiết kiệm năng lượng lên, sự thay đổi cũng rất nhỏ và rất khó để nhận ra. Bladelius nhận xét rằng chiếc ampli này được thiết kế dựa trên Ymer và chất âm cũng tương tự như vậy. Lời nhận xét đó có thể hơi quá nhưng rõ ràng, sự chân thực mà Ask mang lại quả khó có thể sánh được, ngay cả khi dùng ampli đèn của nhiều hãng khác. Điều bất tiện duy nhất là chẳng ai biết được chiếc ampli đang dùng mạch khuếch đại nào, bởi nó không được hiển thị qua màn hình hay có dấu hiệu nào để báo cho người sử dụng biết.
Ask là giải pháp tối ưu cho lựa chọn giữa tiết kiệm điện và tận hưởng âm thanh hay nhất. Dường như Bladelius, thông qua Ask, muốn nhắn nhủ đến toàn giới Audiophile rằng họ không cần phải hi sinh bất cứ điều gì cả. Công nghệ thế kỷ 21 giúp cho cả hai đều được vẹn toàn, và những thiết kế giống như Ask sẽ là thiết kế của tương lai, khi mà nhu cầu tận hưởng âm thanh vẫn còn đó nhưng vấn đề năng lượng lại trở thành vấn đề cấp thiết toàn cầu.
Các bạn có thể tham khảo các sản phẩm khác tại đây