Cỗ máy mới nhất của Bladelius là chiếc mono power ampli Bladelius Loke – tuy không thuộc hàng cực kỳ mạnh nhưng đủ sức để phối ghép với hầu hết các mẫu loa trên thị trường hiện nay.
Khi nói đến Bladelius, có hai thứ khiến người nghe ấn tượng ngay từ lần gặp đầu tiên. Thứ nhất, đó là một thiết kế rất đơn giản, đậm chất thiết bị audio Bắc Âu, một thiết kế khiến người ta nghĩ ngay rằng cỗ máy của họ tập trung nhiều vào yếu tố chất âm và từng yếu tố được áp dụng đều chỉ phục vụ cho mục đích đó. Thứ hai là tên của sản phẩm. Nếu như Pilium – một hãng âm thanh cao cấp của Hy Lạp lấy tên các vị thần hoặc nhân vật nổi tiếng trong thần thoại của họ thì Bladelius cũng tương tự như vậy. Cụ thể hơn, những cái tên này được lấy ra từ Poetic Edda – một trong những tác phẩm văn học lâu đời nhất, được ghi nhận từ thế kỷ thứ 9 sau công nguyên. Với chiếc monoblock power ampli Bladelius Loke mới ra mắt năm 2021 – những ấn tượng này vẫn được giữ nguyên như vậy.
Thiết kế ampli Bladelius Loke
Trên thực tế, chiếc ampli này được thiết kế dựa trên một trong những sản phẩm khá nổi tiếng của hãng – ampli tích hợp Tyr III. Trên bảng mạch PCB của Loke, ta sẽ tìm thấy những yếu tố quen thuộc từ phiên bản tích hợp, nhưng không có mạch đầu vào. Nó giống như lấy hai chiếc ampli Tyr III chạy tín hiệu qua đường tín hiệu dạng cân bằng toàn phần và thêm cổng đầu vào RCA, không trang bị mạch chỉnh âm lượng. Mike Bladelius cho biết thiết kế mạch ban đầu là để có thể áp dụng cho nhiều model sản phẩm sau này.
Phần thân máy được làm hoàn toàn bằng nhôm. Cho đến nay, đây được xem như là vật liệu tiêu chuẩn cho các thiết bị audio high-end, một phần bởi khả năng chống nhiễu rất tốt, phần khác là do nhôm không sinh ra dòng xoắn (eddy current) nhiều như thép nếu xét cùng thể tích hay khối lượng (đây là những dòng có tác động tiêu cực đến tín hiệu âm thanh). Phần mặt trước làm từ một tấm nhôm khá dày, trong khi các vách bên vốn là một tấm nhôm được uốn lại. Mặt đỉnh của power ampli Bladelius Loke khá rộng và khi gõ nhẹ vào có cảm giác rung lên. Toàn bộ khối ampli được đặt trên các chân cao su, và người dùng có thể tối ưu hoá nó với các chân chống rung chuyên dụng.
Ở mặt trước cỗ máy, ta sẽ chỉ tìm thấy switch standby và đèn LED nhỏ màu xanh cho biết máy có đang chạy hay không. Công tắc bật / tắt máy thực tế nằm ở phía sau, sát với cổng dây nguồn IEC. Ta cũng có thể tìm thấy cổng tín hiệu vào XLR và RCA chất lượng cao, bên cạnh chúng là switch cơ học cho phép lựa chọn đường vào tín hiệu. Bên cạnh nó là bộ cọc loa cao cấp WBT-0708 với lượng kim loại rất hạn chế. Các cọc loa này được đặt rất gần nhau, vì thế những ai dùng dây giắc càng cua sẽ phải cẩn thận chút, tốt hơn là dùng dây bắp chuối trong trường hợp này.
Phía sau cỗ máy cũng có một vài lỗ nhỏ được bịt nút kín lại. Chúng xuất hiện ở đó là vì trong trường hợp muốn nâng cấp, người dùng có thể mua thêm một bộ cọc loa (để đấu bi-wire) và một bộ cổng đầu ra bypass cho cả XLR và RCA. Bộ cổng bypasss này rất hữu ích trong trường hợp hai ampli được đặt gần nhau, vì người dùng có thể đấu dây interconnect từ preamp sang một power ampli, và nối dây ngắn hơn từ power ampli đó sang chiếc còn lại.
Chi tiết kỹ thuật
Một trong những điểm thú vị nhất ở monoblock power ampli Bladelius Loke là nó được thiết kế sử dụng mạch class A, với công suất 90 watt ở trở kháng 8 Ohm. Thông thường, ampli class A với sức mạnh như vậy thường phải có kích thước đồ sộ, nhưng điều đó không hoàn toàn đúng với Loke. Toàn bộ linh kiện công suất được bố trí trên một bảng mạch PCB đặt sát mặt sau, kết hợp cùng với mạch nguồn khá lớn. Mặc dù yếu tố linh kiện rất quan trọng nhưng ấn tượng nhất ở đây có lẽ chính là mạch nguồn của cỗ máy.
Về cơ bản, mạch nguồn này sử dụng một biến áp xuyến Noratel rất lớn. Nó được lắp và giảm chấn cơ học bằng phương pháp khá cổ điển, cụ thể là được lắp trên một miếng chêm bằng cao su, sau đó đặt trong một khoang kín và hàn lại bằng nhựa epoxy. Nhìn chung, đây là thiết kế khá tiêu chuẩn, nhưng có lẽ nhà sản xuất nên tính đến việc sử dụng những biện pháp tinh vi hơn để cô lập biến áp và các linh kiện khác khỏi thân máy, dù rằng trên thực tế thân máy cũng đã được chia đôi bởi tản nhiệt, tách ra một bên là bảng mạch, một bên là biến áp.
Một vài cuộn dây thứ cấp được dẫn ra từ biến áp này, một điều khá bất ngờ vì Loke là monoblock. Đường công suất được cấp mạch riêng, giống như mạch đầu vào và mạch bảo vệ. Ở đường công suất sử dụng 6 tụ Kemet cỡ lớn – một loại tụ split foil khá quen thuộc. Đây là một kỹ thuật thường được dùng để loại bỏ dòng xoắn ở các thiết bị có vỏ nhôm. Mạch đầu vào được cấp nguồn từ mạch ổn định.
Ở đầu vào thiết bị, ta sẽ tìm thấy transistor JFET loại surface mount giống với các JFET dùng cho tầng kiểm soát transistor đầu ra. Ở mạch power amp class A, có tổng cộng 4 cặp transistor Sanken 2SA2223A + 2SC6145A. Từ cách sắp xếp, ta kết luận ampli này hoạt động với cấu trúc balanced bridge. Theo thông tin từ nhà sản xuất, Loke hoạt động với lượng hồi tiếp cực kỳ thấp. Về cơ bản, đây là một hệ thống được thiết kế tốt và sử dụng linh kiện rất chất lượng.
Kết luận
Cặp monoblock power ampli Bladelius Loke là một cặp thiết bị tuyệt vời, kết hợp những yếu tố mà ta thường tìm ở một hệ thống với chất âm tốt: sự đầy đặn, tính mở, tốc độ và không quá sáng, âm sắc tốt nhưng không quá rực. Chúng có khả năng phối ghép với hầu hết mọi cặp loa trên thị trường và chắc chắn sẽ làm điều đó theo cách tốt nhất.
Hiển nhiên, Loke không phải là một cặp monoblock đồ sộ, đủ khả năng đem đến âm bass cực lớn trong phòng nghe. Nhưng suy cho cùng đó không phải là mục đích chúng được tạo ra. Mike Bladelius thiết kế Loke với yếu tố cân bằng và hướng đến trải nghiệm tự nhiên nhất cho dù với bất cứ thể loại nhạc nào. Do đó, một chất âm tinh tế chính là điều mà nó hướng đến và rõ ràng là đã làm rất tốt.
Nguyễn Hào
Các bạn có thể tham khảo các sản phẩm khác tại đây
Vì sao đĩa than bắt đầu phổ biến trở lại | TapChiHiFi TV 194