Thuộc phân khúc tầm trung của thương hiệu đến từ Áo Ayon, pre ampli Ayon Spheris III sẽ là một phần không thể thiếu trong một hệ thống âm thanh cao cấp, với chất âm tuyệt vời nhất.
Ayon Spheris III chính thức bước ra thị trường năm 2014. Thế nhưng, nguồn gốc của dự án này lại bắt đầu từ trước đó khá lâu, vào khoảng năm 2000. Gerhard Hirt – người đứng đầu Ayon cùng đội ngũ của mình đã mất 5 năm để biến nguyên mẫu, ý tưởng của một nhân viên trong công ty với một bảng gỗ đơn giản có gắn những loại linh kiện rẻ tiền nhất nhưng lại sở hữu chất âm khiến người khác giật mình, trở thành Spheris I. 5 năm sau, Spheris II ra đời và giờ đây là Spheris III. Cứ qua mỗi thế hệ, chiếc preamp lại càng trở nên hoàn thiện hơn và cho đến nay, với Spheris III, ngay cả chính Gerhard Hirt cũng phải hài lòng về nó. Chính ông cũng phải tự nhận xét rằng về cơ bản, Spheris III không thể cải tiến thêm được nữa. Nó là thành quả của gần 23 năm nghiên cứu và đem đến sự hoàn hảo gần như không có ampli đèn nào trên thế giới có thể làm được.
Thiết kế preamp Ayon Spheris III
Cũng giống như thế hệ đầu tiên, cỗ máy này được chia làm hai thân máy riêng biệt gồm mạch preamp và bộ nguồn. Với khối lượng tổng cộng lên đến 47kg cùng kích thước mỗi thân máy là 50 x 43 x 11 cm, hiển nhiên bộ preamp này sẽ chiếm một vị trí khá đáng kể trên kệ thiết bị. và tất nhiên, đây mới chỉ là preamp linestage chứ không phải ampli tích hợp. Phần vỏ ngoài vẫn được làm theo phong cách rất đậm chất Ayon: được chế thành từ những tấm nhôm rất dày dặn, sơn anode hoá màu đen, phay xước bên ngoài, bo tròn ở các góc và mạ chrome trên các núm xoay. Ngoài các núm chỉnh âm lượng và chọn đầu vào, chiếc preamp này còn có núm chỉnh cân bằng âm lượng hai kênh – một thứ đang ngày càng ít thấy dần trong những ngày này. Bên cạnh đó, ở mặt trước của thân máy chính cũng có một màn hình LED nhỏ hiển thị mức âm lượng.
Một trong những điểm đặc biệt của preamp Spheris III là việc sử dụng bóng đèn C3m thay vì sử dụng các họ bóng ECC như ta thường thấy ở các preamp khác. Bóng C3m được dùng cho Spheris là bóng NOS do Siemens và Lorenz thiết kế, sản xuất từ những năm 1950, phục vụ cho mục đích viễn thông và từng chỉ dùng độc quyền cho hệ thống bưu điện của Đức. Mức giá của bóng đèn này rất cao, do đó thường nó được sử dụng cho mục đích âm thanh chuyên nghiệm nhiều hơn. Loại bóng Dual Triode / Pentode này từng được Ayon sử dụng ở những thế hệ Spheris trước và tỏ ra rất ấn tượng. Vốn được dùng để tăng cường tín hiệu cho các đài chuyển tiếp, đặc biệt là những đường cáp ngầm ở dưới đáy biển với độ sâu lên đến 4000m, bóng đèn này có những đặc tính như độ lợi cao, không nhiễu ồn, không méo tín hiệu, tuổi thọ kéo dài và kích thước nhỏ. Điện áp đốt nóng đèn lên đến 20 volt cũng là một yếu tố rất bất thường. Dù vậy, Siemens đảm bảo rằng tuổi thọ bóng đèn lên đến 10 nghìn giờ, đồng nghĩa với 13 năm nghe nhạc liên tục nếu người nghe đều đặn sử dụng 2 tiếng mỗi ngày.
Một đặc điểm khác của bóng đèn là rất nhạy với nhiễu vi âm (microphonic). Tuy nhiên, ở các thế hệ khác nhau của ampli Spheris, phần thân máy đồ sộ rõ ràng đã có đóng góp không nhỏ trong việc trong việc ngăn chặn rung chấn và nhiễu tác động lên bóng đèn. Gerhard Hirt không tiết lộ về bí quyết để làm được điều này, nhưng thừa nhận rằng có vài mẹo đã được áp dụng. Các bóng này được đặt nằm thay vì lắp đứng. Có tổng cộng 4 bóng C3m trong phần máy chính, như vậy có thể thấy preamp được thiết kế đối xứng hoàn toàn. Do đó các cổng đầu vào XLR không cần phải phá thế cân bằng thông qua biến áp. Đối với vổng RCA, tín hiệu không được truyền trực tiếp mà trước hết chuyển đổi thành dạng balanced thông qua biến áp Lundahl, như vậy sẽ không còn tín hiệu unbalanced trong preamp nữa. Do các bóng đèn được đặt trong khoang kim loại nên giờ đây ta sẽ không thể thấy ánh sáng của dây tóc từ bên ngoài nữa.
Chi tiết kỹ thuật
Nếu mở preamp ra để quan sát bên trong, người xem sẽ cảm nhận được sự khác biệt giữa Ayon Spheris III với những preamp mà họ gặp thường ngày. Khay lắp bóng đèn do chính Ayon tự sản xuất với tiếp xúc điểm làm bằng đồng/beryllium, các switch do hãng ELMA của Thuỵ Sĩ cung cấp, điện trở tantalum có động chính xác cao với dung sai chỉ 0.5%, tụ điện hoá là của RIFA, bảng mạch PCB có đường dẫn tín hiệu mạ vàng để không bị oxi hoá, các cuộn choke và biến áp đều là của Lundahl, tụ điện thông thường là các tụ Mundorf Supreme Silver / Gold… Nhìn chung, các linh kiện dùng cho chiếc preamp này đều là loại cực kỳ cao cấp. Thế nhưng, yếu tố bất ngờ nhất ở đây là mạch chỉnh âm lượng. Đối với Spheris III, Ayon sử dụng phương pháp cảm điện, điều chỉnh thông qua biến áp tự ngẫu với 42 tap thứ cấp. Núm chỉnh âm lượng ở mặt trước lúc này đóng vai trò bộ thu tín hiệu và lựa chọn âm lượng đầu ra mong muốn thông qua một dãy các rơ-le. Khi bật máy lên, toàn bộ hệ thống được reset về mức -42dB, như vậy mức âm lượng từ lần hoạt động cuối cùng không được lưu lại. Do đây là núm xoay vô hạn chứ không phải chiết áp bước thông thường nên ta không thể dựa vào vị trí của núm xoay mà chỉ có thể phụ thuộc vào màn hình digital ở mặt trước để biết mức âm lượng.
Với ý tưởng này, việc sử dụng switch cơ học và motor truyền động cũng bị loại bỏ. Biến áp giờ đây được đặt ở đầu ra, như vậy trở kháng đầu ra sẽ chỉ thay đổi một chút phụ thuộc vào mức âm lượng. Điều quan trọng là nó sẽ không làm thay đổi chất âm. Các tín hiệu “thừa” sẽ không bị đẩy về tiếp địa giống như ở hệ thống điện trở thông thường mà chỉ bị hạ áp, nhưng không gây suy hao. Phương pháp này khá tốn kém và đôi lúc chỉ được tìm thấy ở những thiết bị rất cao cấp, chẳng hạn như ampli của Thomas Mayer hay Ypsilon PST 100. Bên cạnh đó, các biến áp này cũng do chính Ayon tự sản xuất.
Ngoài ra, thiết bị này cũng áp dụng một số tính năng rất thực tiễn. Chẳng hạn, có 4 switch bên trong máy (do preamp được thiết kế đối xứng toàn phần) cho phép thay đổi độ lợi ở các mức 0, -3 và -6dB. Việc này để nhằm giúp tầng đầu vào không bị quá tải khi phối ghép cùng những DAC với điện áp đầu ra quá cao (hơn 3V). Các bóng đèn C3m sử dụng tụ nối tầng, trong trường hợp này là các tụ Mundorf Supreme. Đây cũng là những tụ duy nhất nằm trên đường tín hiệu.
Phía sau cỗ máy là switch ground, dùng để tắt các vòng lặp tiếp địa. Tiếp địa tín hiệu và tiếp địa bảo vệ có thể đặt tách rời. Tuy nhiên, thay đổi vị trí của switch ground cũng sẽ làm thay đổi chất âm, do đó người nghe nên thử xem thiết lập nào phù hợp nhất với mình.
Mạch nguồn của thiết bị là một trong những phần được đầu tư nhiều nhất. Do các nhiễu EMI và RFI xuất hiện ở khắp nơi, có hai giải pháp khả thi: sử dụng nguồn điện cấp từ ắc quy hoặc bộ lưu điện, vốn cũng có nhược điểm của nó hoặc tái tạo lại điện áp nguồn. Ayon áp dụng phương pháp thứ hai cho bộ nguồn của Spheris III. Số 60 trên màn hình LCD nhỏ trên bộ nguồn là ám chỉ 60Hz, tần số mà bộ nguồn này điều chỉnh lại. Như vậy, nhiệm vụ này của bộ nguồn này thực tế là tái tạo lại dòng điện thành dạng có sóng sine hoàn chỉnh với tần số 60Hz, không bị can nhiễu bởi các nguồn nhiễu từ bên ngoài.
Quy trình này được thực hiện như sau: Sau khi dòng điện tần số 50Hz từ ổ cắm đi vào, nó sẽ được tái tạo thành dòng điện có tần số 60Hz, sau đó tăng áp lên 450V thông qua một biến áp, rồi được chỉnh lưu lại bằng chỉnh lưu cầu Graetz và làm mượt thông qua hệ thống tụ/cuộn cảm. Trong trường hợp lý tưởng, nội trở của hệ thống nên càng thấp càng tốt để không làm ảnh hưởng đến độ động. Bộ nguồn này có thể tạo ra công suất mạnh tới 300 watt, thừa sức phục vụ cho bất cứ thể loại nhạc nào.
Quá trình chạy rà cho chiếc preamp này cũng khá cần thiết. Các bóng đèn cần một khoảng thời gian tối thiểu 50 giờ để đạt chất âm tốt hơn, có thể cần lên đến 100 giờ. Đôi lúc chỉ cần làm nóng bóng đèn là được. Tuy nhiên, tụ điện và biến áp cũng cần hoạt động và cách tốt nhất là chơi nhạc liên tục, với mức âm lượng vừa phải. Đây không phải là vấn đề của riêng Ayon mà với bất cứ thiết bị audio dùng đèn điện tử nào. Tuy nhiên, ở ngay cả trạng thái mới bóc hộp, Spheris III vẫn sẵn sàng đưa người nghe đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Kết luận
Là một phần của thương hiệu siêu sang Ayon, hiển nhiên preamp Spheris III chắc chắn không phải là cỗ máy dành cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, đối với những ai đã từng trải nghiệm chiếc preamp này, họ sẽ nhanh chóng nhận ra nó không có sự ấm áp, mềm mại, có phần thiếu kiểm soát dải trầm như ampli đèn truyền thống mà ngược lại, mạnh mẽ, tinh tế và cực kỳ chi tiết, nhưng vẫn hài hoà với yếu tố giàu nhạc tính. Đây sẽ là một trong những lựa chọn đầu tiên mà người nghe muốn tìm đến khi xây dựng một hệ thống siêu sang, đề cao sự chi tiết, chính xác nhưng vẫn đảm bảo sự dễ chịu, sâu lắng dễ đi vào lòng người của âm nhạc.
Nguyễn Hào
Các bạn có thể tham khảo các sản phẩm khác tại đây