Sau hơn 15 năm xuất hiện trên thị trường, preamp EAR Yoshino 912 của Tim de Paravicini vẫn là một trong những preamp đèn chất lượng cao có thể tìm thấy trên thị trường.
EAR Yoshino 912 là preamp đèn sử dụng bóng dual triode 7DJ8 (hay còn gọi là bóng PCC88 ở châu Âu). Chiếc preamp này được trang bị 3 bóng như vậy ở tầng phono và 2 bóng khác ở tầng line-level. Tim de Paravicini cho biết, 7DJ8 là loại bóng đèn mà ông hiểu rất rõ, từng sử dụng ở nhiều thiết bị chuyên nghiệp, và điểm nhấn của nó chính là độ bền và tuổi thọ lâu dài. Bóng 6DJ8 – một loại bóng được dùng phổ biến hơn cũng có thể thay thế cho 7DJ8 nếu muốn, với một chút thay đổi ở điện áp sợi nung và đã thay là phải thay toàn bộ bóng đèn ở một tầng.
Thiết kế của preamp EAR Yoshino 912
Trên thực tế, đây không phải là preamp đầu tiên của EAR sử dụng biến áp thượng bên trong để khuếch đại tín hiệu của kim MC, nhưng nó lại là chiếc đầu tiên được trang bị hai cặp cổng đầu vào phono khác nhau. Ở mặt trước của chiếc preamp, có một núm xoay riêng biệt chỉ để lựa chọn một trong hai cổng đầu phono này và một núm xoay khác dùng để chọn cuộn sơ cấp ở biến áp thượng, với 4 lựa chọn là 3, 6, 12, và 40 Ohm. Tương ứng với nó là các mức độ lợi 30, 26, 23, và 20dB. Hoặc trong trường hợp của kim MM, tín hiệu sẽ được bypass, không còn đi qua biến áp thượng nữa. Ngoài yếu tố này, tầng phono của EAR Yoshino vẫn có nhiều thứ khá thú vị, chẳng hạn như mạch RIAA sử dụng một cặp cuộn cảm được đặt làm riêng, với các đặc tính như ít bị ảnh hưởng bởi hiện tượng quá tải và các loại méo tín hiệu dạng ringing như ở tụ điện, hay như việc chuyển từ tầng phono sang tầng line-level được thực hiện thông qua một cặp biến áp nối tầng.
Phương án dùng biến áp được lựa chọn không chỉ bởi tiêu thụ năng lượng hiệu quả hay vì chất âm tốt, mà còn bởi tính linh hoạt trong ứng dụng của nó. Một núm xoay ba nấc ở mặt trước cho phép người dùng lựa chọn từng cuộn thứ cấp khác nhau ở biến áp nối tầng – gồm các mức 0, -6dB hay -12dB. Núm xoay này kết hợp cùng núm xoay chọn cuộn sơ cấp ở biến áp thượng và núm xoay dùng để bypass biến áp thượng (tức núm xoay chọn kim MM/MC) đã khiến EAR Yoshino 912 trở nên linh hoạt và dễ sử dụng hơn hẳn bất cứ phono preamp nào ở thời điểm nó ra mắt, khi cho phép người dùng kết nối hai mâm đĩa than cùng lúc, với khả năng sử dụng hai loại kim đĩa than khác nhau.
Ở mặt trước preamp, ta cũng sẽ tìm thấy 2 đồng hồ VU với nhiệm vụ đo điện áp trung bình (thay vì điện áp đỉnh). Ý tưởng ở đây là thể hiện độ lớn tiếng tổng thể của âm thanh thay vì thể hiện mức âm lượng đỉnh ở các xung tức thời. Tim de Paravicini cho biết thiết kế mũi kim hình đầu bích, nền đồng hồ vàng đã có từ thời của Bell Labs vào những năm 1930. Nó cho phép người nghe có thể quan sát đồng hồ một cách dễ dàng, ước lượng được mức âm lượng tổng thể chứ không cần biết chính kim đang chỉ vào số nào. EAR Yoshino 912 cũng đi theo phong cách này. Khi kết hợp với các núm xoay điều chỉnh, người dùng có thể tận dụng đồng hồ VU để tìm thiết lập phù hợp nhất cho từng loại kim đĩa than khác nhau, vì các đồng hồ này cho biết mức trở kháng nội cũng như điện áp đầu ra ở thời điểm đó. Hiển nhiên, các đồng hồ VU này cũng đáp ứng với tín hiệu line-level từ các cổng đầu vào cả RCA cũng như XLR.
Bên cạnh các yếu tố vừa nhắc ở trên, người dùng cũng sẽ tìm thấy biến áp nguồn ở phần mạch nguồn và hai biến áp được làm theo yêu cầu của họ. Đây là các biến áp đầu ra, được sử dụng để giữ cho trở kháng đầu vào của tầng preamp ở mức thấp và cũng là để chặn dòng một chiều nếu chúng có xuất hiện. Mỗi biến áp có hai cuộn dây thứ cấp, một để cấp cho cổng đầu ra RCA và cuộn còn lại để cấp cho cổng đầu ra XLR. Cả hai loại cổng đầu vào có thể sử dụng đồng thời cùng lúc, kết hợp với loa subwoofer hoặc các thiết bị khác có thể kết nối được qua cổng line-out.
Ear Yoshino 912 sở hữu thiết kế bên ngoài rất đẹp, một vẻ đẹp mang tính chất cổ điển, có phần gợi nhớ đến ampli đèn của thập niên 70 – 80. Kích thước của nó là 270 x 480 x 135mm. Nó khá cao so với bình thường bởi một điều khá đơn giản: các đồng hồ VU cần phải có bảng mạch phía sau nó. Thế nhưng vì là preamp nên nó không cần phải quá sâu. Phần thân máy được làm bằng kim loại rất chắc chắn, kết hợp với mặt trước được làm bằng nhôm dày dặn. Hai tay cầm ở phía trước khá hữu ích, vì EAR Yoshino 912 nặng tới 13kg, nghĩa là gấp đôi so với một preamp thông thường. Đây là điều khá dễ hiểu vì số lượng biến áp của nó cũng đã nhiều hơn so với bình thường rồi.
Trải nghiệm
Để thử nghiệm, phono preamp EAR Yoshino 912 được phối ghép với mâm đĩa than Lucxar Zeitlos, tay cơ Jelco TK-950L MkII và kim Clearaudio Talismann V2, power-amp Audio Hungary Qualiton APX 200 và loa AudioSolutions Figaro L. Dù ở mức thiết lập nào, EAR Yoshino 912 vẫn cực kỳ tĩnh lặng, không cảm nhận được chút tiếng ù nào kể cả khi dây tiếp địa của tay cơ không được kết nối.
Sự tĩnh lặng tuyệt đối có thể chính là lý do EAR Yoshino 912 đủ khả năng để bắt được những chi tiết nhỏ nhất, chẳng hạn như tiếng trống lớn đánh rất nhanh, vẫn còn rung ngay cả khi đã ngừng đánh và rã âm dần trong bản Sea Pictures (LP, EMI ASD 655). Tương tự như vậy, tiếng láy của sáo trong bản Symphony 2 của Brahm (LP, Columbia D3M 32097) cũng dễ thu hút được sự chú ý hơn.
Về mặt nhạc tính hay chất âm, EAR Yoshino 912 không cách quá xa so với những phono preamp hàng đầu, chẳng hạn như Audio Note M2 Phono. Người nghe sẽ không cảm thấy được dấu hiệu của tín hiệu bị nén bất kể bản nhạc nào được. Tín hiệu đi qua nó sẽ được giữ nguyên vẹn để bất cứ đặc điểm nhạc tính nào cũng được thể hiện rõ nhất. Điều đó đủ để khiến audiophile cũng phải tập trung nhiều hơn vào bản nhạc để có thể tìm kiếm xem mình có bỏ lỡ mất điều gì trong những bản nhạc mà họ đã nghe quá quen không.
Cũng giống như những preamp chất lượng cao khác, EAR Yoshino 912 sở hữu âm thanh có quy mô rất lớn. Ở phối ghép này, ta có thể cảm nhận được một không gian âm trường vừa rộng vừa sâu, thậm chí có khi còn lớn hơn cả mức cần thiết, với âm hình stereo đem lại cảm giác rất thực, không thua kém gì những preamp đắt đỏ hơn nó nhiều lần. Trải nghiệm này chỉ bị ảnh hưởng khi đổi từ kim MC Clearaudio Talismann V2 sang kim MM Clearaudio Gamma S. Lúc này, âm trường dường như bị đẩy lùi ra xa hơn, đem lại cảm giác không được thoải mái cho người nghe.
Kết luận
Sau hơn 15 năm xuất hiện trên thị trường, preamp EAR Yoshino 912 của Tim de Paravicini vẫn là một trong những preamp đèn chất lượng cao có thể tìm thấy trên thị trường. Ở chiếc preamp này, ta có thể tìm thấy được sự linh hoạt khi phối ghép với bất cứ nguồn phát phổ biến nào. Tất nhiên, ở thời kỳ khi mà âm thanh digital lên ngôi, việc không được trang bị mạch DAC có thể là thiệt thòi lớn, thế nhưng bất cứ ai sử dụng nguồn phát truyền thống như đầu CD hay mâm đĩa than cũng sẽ rằng đây là một trong những preamp tốt nhất để phát huy tối đa nhạc tính cho nguồn nhạc của họ.
Nguyễn Hào
Các bạn có thể tham khảo các sản phẩm khác tại đây
300B – Sự thăng trầm của một bóng đèn nổi danh trong lịch sử