Với sự tiến bộ về công nghệ, tiêu chuẩn về khả năng trình diễn cũng như thông số cho loa cũng thay đổi qua mỗi thời kỳ. Hãy cùng tìm hiểu xem tiêu chuẩn cho loa cách đây hơn 60 năm là như thế nào.
Các chuyên gia về audio thường đưa ra những tiêu chuẩn nhất định dựa trên kinh nghiệm. Họ có thể đặt nghi vấn cho bất cứ thay đổi nào, ngay cả khi nó được đưa ra để đem đến hiệu năng trình diễn tốt hơn. Đánh giá về chất âm không dựa trên định kiến, được thực hiện bởi những người có liên hệ với các nghệ sĩ hay các buổi biểu diễn trực tiếp ngoài đời thực thường sẽ đáng tin cậy hơn cả. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, chúng ta đã thấy có sự phát triển về mức độ hợp lý dành cho tiêu chuẩn hiệu năng cho cả loa thông thường cũng như loa chuyên nghiệp. Các nhà nghiên cứu và kỹ sư thiết kế đang bắt tay thống nhất một tiêu chuẩn chung, dựa trên các yếu tố như cân bằng dải tần số mang chất âm tự nhiên, sự đồng nhất của âm thanh đầu ra trong cả hai tình huống trên trục và lệch trục, cũng như mức độ méo tiếng hay lên màu âm thanh thấp hơn. Nền tảng chung này được phát triển bất chấp sự khác biệt trong phương hướng tiếp cận cũng như triết lý thiết kế. Nó cho thấy sự đông thuận liên quan đến việc thu thập dữ liệu, các ý kiến khách quan, chủ quan (cả chính thống lẫn không chính thống) đối với hiệu năng và chất lượng của loa. Tình huống này trái ngược hoàn toàn so với giai đoạn thập niên 60, khi hi-fi mới bắt đầu khởi sắc.
Khi ấy, có rất nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến chất lượng âm thanh, đặc biệt là về chất âm của loa. Điều này thể hiện rõ đến mức người ta có thể xác định từng dòng sản phẩm của một nhà sản xuất lớn thông qua một chất âm rất đặc trưng, xuất hiện phổ biến trong tất cả các sản phẩm của họ. Đôi khi, chất âm ấy cũng đủ mạnh mẽ để trở thành bản sắc của một khu vực. Chẳng hạn, ở Mỹ chúng ta vẫn thường nói đến âm thanh Bờ Đông và âm thanh Bờ Tây. Vào giai đoạn này, một mẫu loa hi-fi điển hình sẽ chứa driver midwoofer với đường kính 250 hoặc 300 mm, sử dụng màng nón giấy nhẹ có tần số cộng hưởng khá cao, được điều khiển bởi cuộn voice coil có đường kính 33 hoặc 50 mm cuốn trên một ống cuộn bằng giấy. Tiếp theo là driver tweeter màng nón 75 hoặc 100 mm riêng biệt, phụ trách các dải cao và thường được gắn đồng tâm trên khung của driver woofer. Các driver được gắn ở phía trong của mặt trước loa, tạo thành một khoang hướng trước. Thùng loa có thể có thể tích điển hình trong khoảng từ 60 đến 120 lít, và thường được trang bị thêm cổng thoát hơi (bass phản xạ) để hỗ trợ các dải trầm. Hiệu năng trình diễn, xét trên các tiêu chí méo tín hiệu lẫn lên màu âm thanh, cân bằng âm sắc hay chất âm tự nhiên, nhìn chung không bằng được ngay cả những mẫu loa giá thấp, bình dân nhất hiện nay. Đáp tuyến tần số đo được thường có hình răng cưa giống như trong hình dưới đây, thể hiện mức độ lên màu âm rất rõ rệt.

Nếu biết được hiệu suất lý tưởng mà một nhà thiết kế loa hướng đến vào thập niên 60, chắc chắn ai cũng phải ngạc nhiên, dù rằng các mẫu loa hi-fi trên thị trường khi ấy thậm chí còn không đủ khả năng đạt được tiêu chuẩn này. Thông số mục tiêu bị giới hạn bởi các công nghệ, thành tựu của ngành công nghiệp trong khỏng thời gian này. Chẳng hạn, độ nhạy mục tiêu được đặt ra là 100 dB SPL cho 1 watt điện đầu vào, khoảng cách là 1m. Ngày nay, một mẫu loa phổ thông có độ nhạy cao có thể đạt được khoảng 94dB/watt. Tuy nhiên, cách đây hơn 60 năm, độ nhạy mục tiêu cao như vậy phản ảnh rõ các ampli hi-fi chủ yếu là loại có công suất thấp, chỉ đạt tối đa khoảng 10 – 20 watt/kênh với trở kháng 8 Ohm. Nhiều ampli thậm chí còn bị quá tải khi trở kháng tụt xuống chỉ còn 4 Ohm.

Ảnh dưới: Thông số thực tế của một mẫu loa hai đường tiếng năm 1965.
Điều thú vị là không nhiều người thực sự nghĩ đến việc làm phẳng đáp tuyến tần số. Nguyên nhân có thể là do việc chấp nhận rằng cộng hưởng màng loa không thể giải quyết được. Các mẫu loa phổ thông khi đó thường có giới hạn “sử dụng được” là 35Hz khi cắt giảm 17dB, và 15kHz khi cắt giảm 12dB, hoàn toàn trái ngược với con số -10dB có phần đầy tham vọng dành cho một mẫu loa lý tưởng. Ngay cả giới hạn biên độ ± 6dB cũng tương đối thấp so với tiêu chuẩn dành cho loa hiện nay.
Cần lưu ý rằng việc xác định biên độ dung sai rộng như vậy không chỉ cho phép thay đổi đáng kể về âm sắc, sự cân bằng mà còn che khuất tầm quan trọng của việc ghép cặp loa với nhau. Hiện nay, dung sai biên độ so với tần số nhỏ hơn được hiểu là có ý nghĩa rất quan trọng, đem đến tính nhất quán cao hơn và do đó hiệu năng trình diễn cũng lớn hơn. Dung sai nhỏ hơn cũng là chìa khóa cho khả năng thể hiện âm hình vượt trội, trong đó chất lượng, độ sắc nét của âm hình ảo, vốn phụ thuộc mạnh mẽ vào độ chính xác của việc ghép cặp loa.
(Hết kỳ 1)
Tiêu chuẩn cho loa đã thay đổi như thế nào (phần 2)
Tiêu chuẩn cho loa đã thay đổi như thế nào (phần 3)
Tiêu chuẩn cho loa đã thay đổi như thế nào (phần 4)
Tiêu chuẩn cho loa đã thay đổi như thế nào (phần 5)
Nguyễn Hào
Các bạn có thể tham khảo các sản phẩm khác tại đây