Tiêu chuẩn cho loa đã thay đổi như thế nào (phần 2)

Ngay trong thời kỳ stereo và hi-fi vẫn còn khá sơ khai, đã có những hãng sản xuất làm nên những cặp loa với thông số nổi bật, từ đó làm nền móng cho các tiêu chuẩn của loa sau này.

Mặc dù dữ liệu về hiệu suất của loa thương mại cách đây gần 60 năm tương đối đáng thất vọng so với tiêu chuẩn ngày nay, có một điều rất đáng để lưu ý, đó là các công nghệ và lý thuyết cơ bản để làm nên một thiết kế loa chất lượng cao đã được các chuyên gia biết đến ngay từ thời đó. Sâu xa hơn, rất nhiều nghiên cứu đã được ghi chép lại một cách kỹ lưỡng. Những người thiết kế loa thương mại đã biết đến hiện tượng lên màu âm thanh gắn liền với các dấu hiện bất thường trên đáp tuyến tần số. Họ cũng biết hiện tượng đó có nguyên nhân một phần từ cộng hưởng trễ ở nón loa và cấu trúc thùng loa. Tuy nhiên, các kỹ sư dường như không làm gì nhiều để xử lý triệt để hiện tượng này, bất chấp việc D.E.L. Shorter – kỹ sư từ bộ phận nghiên cứu và phát triển của BBC đã có những nghiên cứu xuất sắc từ trước đó hơn 20 năm về vấn đề cộng hưởng âm thanh, nguồn gốc và tác động.

Có một thực trạng chung của ngành công nghiệp âm thanh khi ấy, đó là nghiên cứu xuất hiện rất nhiều, thế nhưng những nguyên tắc và công nghệ làm loa của ngày hôm nay lại hiếm khi được áp dụng cho quá trình sản xuất thương mại của giai đoạn trước đó. Các phương pháp thiết kế nhìn chung khá tùy tiện, thậm chí còn có phần nghiệp dư. Một phần cũng bởi nhiều công ty sản xuất loa có quy mô nhỏ, gần như chỉ là tự phát. Có lẽ khi đó các kỹ sư đều có suy nghĩ rằng trong quá trình biểu diễn, có rất nhiều vấn đề liên quan đến âm học diễn ra. Chỉ sửa một hay hai lỗi cũng chẳng đủ để tạo nên cải thiện rõ rệt cho chất âm. Thậm chí cho đến tận bây giờ, vẫn có rất nhiều thiết kế loa giữ nguyên sự nghiệp dư này.

Tuy nhiên, một vài công ty đã bắt đầu nghiên cứu các công nghệ cao cấp, đồng thời ứng dụng chúng để thực hiện nhiều mẫu thiết kế tinh tế, phức tạp hơn. Một số thiết kế đó được đưa vào sản xuất chính thức, dù rằng số lượng vẫn còn giới hạn. Hugh Brittain, trong quá trình nghiên cứu tại GEC Hirst Research Centre tại Wembley giai đoạn thập niên 50, đã thiết kế driver BCS1851 đường kính 200mm, sử dụng màng nón nhôm, có khả năng hoạt động toàn dải, đặt trong thùng loa Periphonic. Ted Jordan, một kỹ sư khác làm việc làm việc cùng Britain, sau này cũng tiến hành nghiên cứu và phát triển cả một dòng driver moving coil tiên tiến khi chuyển sang bên Goodmans Loudspeakers. Về sau, Jordan tách ra hoạt động riêng và thành lập công ty Jordan‐Watts, đơn vị sản xuất module driver JW rất nổi tiếng. Module JW là một driver toàn dải với đường kính 100mm, rất tiên tiến, sử dụng một màng nón loe bằng nhôm, được lắp trên một khung kim loại đúc có hình dạng rất giống một chiếc hộp. Voice coil được treo trên ba thanh trục đỡ làm từ Beryllium. Bản thân module driver này cũng được thiết kế với khả năng suy hao tần số trầm nội, khiến nó dễ lắp đặt với bất cứ cách sắp xếp nào, dùng được với bất cứ thể tích thùng loa nào.

kef carlton 1

Năm 1967, K.E.F. Electronics (Vương Quốc Anh) cho ra mặt Carlton, do chính cha đẻ của hãng – Raymond Cooke thiết kế. Đây là cặp loa thùng kín ba đường tiếng rất đắt giá, được cho là thiết kế vượt trước thời đại, được lắp đặt driver bass màng phẳng hình chữ nhật. Driver này được đặt tên là B1814, có kích thước 45.7cm x 35.5cm, màng loa sử dụng lõi foam polystyrene, gia cố bên ngoài bằng hợp kim nhôm. Mẫu loa này sử dụng driver midrange tương đối tiên tiến so với thời bấy giờ. Driver midrange được dùng là driver M65, có khả năng xử lý các tần số từ 250Hz đến 4kHz, được trang bị driver màng vòm hình bán cầu, đường kính 65mm, với vật liệu làm màng loa chủ yếu là polymer polystyrene tuy nhẹ nhưng rất cứng chắc. Nó có thể lắp vừa vào một hệ treo kép để kiểm soát chuyển động cũng như rung chấn. Phía sau lõi từ cực của hệ thống nam châm cho driver là hệ thống ống dẫn truyền dài khoảng 0.8m. Bên trong loa được lót len lông dài để hấp thụ hiệu quả các rung chấn ở phía sau màng driver. Đây cũng là một thiết kế khá đột phá vì việc dùng len lông dài này đã đi trước các mẫu loa của B&W tới 35 năm. Do sử dụng ống cuộn voice coil bằng nhôm nên khả năng chịu dòng lớn của loa là rất cao. Cuối cùng, loa được trang bị driver tweeter T27 để phụ trách các dải cao. Driver này sử dụng màng vòm 19mm làm bằng vật liệu polyester, có thể mở rộng tới 30kHz. Thiết kế driver tweeter này tiên tiến tới mức nó vẫn tiếp tục được sản xuất gần 30 năm sau đó và được áp dụng cho mẫu loa BC LS 3/5a studio monitor.

(Hết kỳ 2)

Bạn có thể xem thêm phần khác tại đây 

Tiêu chuẩn cho loa đã thay đổi như thế nào (phần 1)

Tiêu chuẩn cho loa đã thay đổi như thế nào (phần 3)

Tiêu chuẩn cho loa đã thay đổi như thế nào (phần 4)

Tiêu chuẩn cho loa đã thay đổi như thế nào (phần 5)

Nguyễn Hào

Các bạn có thể tham khảo các sản phẩm khác tại đây

Tìm hiểu về phòng đo Jupiter bí mật của Dynaudio