Tìm hiểu về dây balanced và unbalanced (phần 2)

Trong phần này chúng ta sẽ tìm hiểu về cấu trúc của dây balanced cũng như các đặc điểm có liên quan đến loại kết nối này.

Ở dây balanced sử dụng jack cắm XLR, chân PIN 1 luôn là đường tiếp địa cho tín hiệu. Tuy nhiên, chân PIN số 2 và chân PIN số 3 lại không được quy định rõ ràng như vậy, do đó, khó có thể biết được chân nào có dây tín hiệu đảo chiều vào chân nào là dây tín hiệu không đảo chiều. Chân có tín hiệu không đảo chiều thường được gọi là chân “nóng”, chân còn lại với tín hiệu đảo chiều là chân “nguội”. Sau nhiều thập niên không có quy chuẩn rõ ràng, cách đây hơn chục năm, Hiệp hội Kỹ thuật Âm thanh (AES) đã quyết định áp dụng chuẩn của Bắc Mỹ, với chân số 2 là chân “nóng” và chân số 3 là chân “nguội”.

day balance

Cách dây balanced được thiết kế (quy định chân nào là chân nóng) sẽ quyết định xem hệ thống của người nghe là phân cực tuyệt đối đảo chiều hay không đảo chiều. Nếu như hệ thống không đảo chiều – có nghĩa là tín hiệu dương cực trên bản thu tạo ra tín hiệu dương cực trên loa, việc thay thế power-amp có đầu vào balanced, chân số 3 là chân “nóng” với một power-amp khác với chân số 2 là chân “nóng” sẽ đảo chiều của tín hiệu trên thiết bị. Do đó, khi đổi các thiết bị có cổng balanced như DAC, preamp hay power-amp, cần chú ý xem cổng balanced của thiết bị đó có giống với các thiết bị còn lại không. Người dùng có thể thay đổi phân cực tuyệt đối của hệ thống bằng cách đấu lại dây của cổng balanced (đổi vị trí dây ở chân PIN 2 với chân PIN 3). Nhưng còn một cách khác đơn giản hơn, đó là đảo lại vị trí dây loa (dây đỏ cắm vào jack trắng và ngược lại).

Bên cạnh hiệu quả chống nhiễu, kết nối balanced còn đem đến chất lượng âm thanh tốt hơn so với kết nối unbalanced. Tuy nhiên, một hệ thống dùng dây balanced chưa chắc đã hay hơn hệ thống dùng dây unbalanced, bởi lẽ không phải thiết bị nào cũng là một thiết bị balanced thực sự. Chẳng hạn, một bộ DAC có thể nhận tín hiệu unbalanced từ chip DAC và chuyển nó thành tín hiệu balanced, nhờ thế mà nhà sản xuất có thể lắp cổng đầu ra balanced cho DAC. Bên trong bộ DAC, mạch chia pha sẽ nhận tín hiệu unbalanced và chia nó thành hai tín hiệu đối cực với nhau, từ đó tạo thanh tín hiệu balanced. Quá trình chia pha buộc tín hiệu unbalanced được gửi đến một tầng chủ động (chính là mạch chia pha, dùng op-amp hoặc transistor), vì thế đã có một mạch nằm trên đường tín hiệu.

day balance dep

Sau đó, tín hiệu balanced được chuyển từ DAC đến preamp. Trừ những preamp cực cao cấp có thể xử lý trực tiếp tín hiệu balanced, phần lớn sẽ chuyển tín hiệu từ DAC thành tín hiệu unbalanced để đưa đến tầng độ lợi. Quá trình này lại khiến một mạch chủ động nữa xuất hiện trên đường tín hiệu. Sau khi đã được khuếch đại, tín hiệu unbalanced này lại được đi qua mạch chia pha để chuyển thành balanced.

Sau đó, tín hiệu balanced từ preamp được gửi đến power-amp. Để khuếch đại, tín hiệu lại bị chuyển đổi một lần nữa với mạch chia pha. Như vậy, trên đường tín hiệu của chuỗi hệ thống có quá nhiều mạch chủ động, linh kiện xuất hiện và bất cứ ai tin rằng đường tín hiệu cần phải đơn giản, ít linh kiện chủ động để đảm bảo chất lượng cũng sẽ không thích điều này. Đó là lý do không phải lúc nào thiết bị với cổng balanced lúc nào cũng đem đến chất lượng âm thanh tốt hơn các thiết bị dùng cổng unbalanced. Điều này cũng giải thích vì sao một số bài đánh giá sản phẩm thường so sánh chất âm của thiết bị khi sử dụng cả hai loại kết nối balanced và unbalanced.

day tin hieu balance

Tuy nhiên, một số sản phẩm lại là thiết bị balanced đúng nghĩa, không cần phải dựa vào mạch chia pha cùng các thiết bị nguồn phát unbalanced. Chẳng hạn một bộ DAC có thể tạo ra tín hiệu balanced ở vùng digital, sau đó chuyển tín hiệu đó thành analog với bốn chip DAC cùng bốn tầng đầu ra analog (hai kênh bên trái với chiều âm / dương, tương tự như vậy với hai kênh bên phải). Preamp với thiết kế balanced đúng nghĩa sẽ mang trong mình gấp đôi lượng mạch để điều khiển tín hiệu đảo chiều và không đảo chiều riêng rẽ hoàn toàn. Chúng ta có thể nhận ra preamp đó dựa vào bộ phận điều chỉnh âm lượng. Một preamp thông thường sẽ có hai núm chỉnh âm lượng cho kênh bên trái và kênh bên phải. Preamp balanced đúng nghĩa sẽ có tới bốn núm chỉnh âm lượng, hai núm cho chiều âm / dương bên trái và tương tự như vậy đối với kênh bên phải.

Và cuối cùng, để đánh giá về chất lượng, cách tốt nhất vẫn là nghe thử. Khi chọn mua thiết bị, hãy thư nghe ở cả hai chế độ balanced và unbalanced, lúc đó người dùng sẽ nhận ra được chế độ nào phù hợp nhất đối với hệ thống của mình.

Tìm hiểu về dây balanced và unbalanced (phần 1)

Bạn có thể tham khảo sản phẩm khác tại đây

Bí mật của thùng loa kim loại

Nguyễn Hào