Tìm hiểu về Dolby Atmos | TapChiHiFi TV 97

Rất vui được gặp lại quý vị và các bạn trong chương trình của Tapchihifi TV. Kể từ khi ra đời vào năm 2012 đến nay, định dạng âm thanh Dolby Atmos đang được sử dụng ngày càng phổ biến trên nhiều lĩnh vực như điện ảnh, âm nhạc, game… Từ định hướng ban đầu dành cho phim ảnh, Dolby Atmos ngày càng trở nên phổ biến, giúp cho người sử dụng ngày càng dễ tiếp cận hơn. Sức phát triển của công nghệ này cho thấy một điều, ngày nay ngành giải trí phát triển và con người ngày càng đề ra những tiêu chuẩn trải nghiệm cao hơn so với trước đấy. Dolby Atmos là một trong rất nhiều cách để biến điều đó trở thành hiện thực.

Vậy, vì sao Dolby Atmos lại được sử dụng phổ biến như vậy và điều gì đã khiến cho một định dạng mới được chấp nhận như vậy? Những câu hỏi này sẽ được chúng tôi giải đáp trong video giới thiệu về định dạng Dolby Atmos ngày hôm nay.

Dolby Atmos

 Trước khi Dolby Atmos ra đời khoảng hai năm, Dolby từng giới thiệu chuẩn âm thanh đa kênh 7.1 cho các rạp chiếu phim. Nếu như Dolby Surround 5.1 và 7.1 đem đến cho người nghe sự sống động và trung thực trong âm thanh thì Atmos sẽ nâng chất lượng đó lên thêm nhiều lần nữa. Về cơ bản, Dolby Atmos làm thay đổi cách âm thanh được thiết kế cho các bộ phim và thể hiện chúng ở những vị trí khác nhau trong hệ thống xem phim.

Sự ấn tượng của Dolby Atmos nằm ở chỗ công nghệ này coi âm thanh là một loại vật thể và cho phép sử dụng tối đa 128 vật thể âm thanh khác nhau, hỗ trợ lên đến 64 loa. Kể từ chuẩn Atmos, các nhà làm phim có thể thoải mái thể hiện các hiệu ứng âm thanh, tiếng động mà họ muốn dễ dàng hơn ở tầng trên cao, được thực hiện qua các loa vệ tinh, loa âm trần lắp trên trần nhà hay các module hướng trần. Nói cách khác, nếu như các hệ thống 5.1, 7.1 mới chỉ xâu dựng trường sân khấu âm thanh 2D thì với Dolby Atmos, các nhà sản xuất có thể tạo ra một trường sân khấu âm thanh 3D đúng nghĩa.

Nhìn chung, đối với thiết lập Dolby Atmos, có ba thứ sau bắt buộc cần phải có: thứ nhất là một AV receiver hỗ trợ công nghệ Dolby Atmos, thứ hai là các loa cho kênh tầng dưới, và thứ ba là các loa cho kênh tầng trên (có thể là loa âm trần hoặc module hướng trần) để tạo hiệu ứng âm thanh trên cao.

Những hệ thống đơn giản nhất xuất hiện trên thị trường hiện nay là những loa soundbar hỗ trợ Dolby Atmos. Có thể xem chúng như một chiếc loa tất cả – trong – một, tích hợp đầy đủ cả AVR, các module loa hướng trước, hướng sau cũng như module hướng trần. Đối với những khích hàng đã có sẵn hệ thống 5.1 hay 7.1 truyền thống, việc nâng cấp lên Dolby Atmos cũng tương đối đơn giản. Họ chỉ cần chọn mua thêm các module loa hướng trần hoặc loa âm trần, và nếu trong trường hợp receiver không hỗ trợ Dolby Atmos, việc thay đổi receiver là điều bắt buộc.

Dolby Atmos hay

Hiện tại, có rất nhiều cấu hình khác nhau cho hệ thống Dolby Atmos, từ đơn giản như 5.1.2 cho đến phức tạp như 24.1.10. Tuy nhiên, hầu hết các rạp hát tại gia bị giới hạn bởi không gian, do đó kích thước phòng nghe đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định số lượng loa. Chúng ta sẽ bắt gặp những hệ thống như 5.1.2, 5.1.4, 7.1.2 hay 7.1.4. Các số .2 và .4 ở đây là để ám chỉ số lượng module loa được sử dụng để tạo hiệu ứng âm thanh trên cao.

Để tạo nên một trải nghiệm chân thật cho hệ thống rạp hát tại gia, ít nhất người dùng cần chuẩn bị được một hệ thống âm thanh, một TV HD hay TV UHD cũng như đường truyền internet tốc độ cao. Ngoài ra, tác động âm học của phòng cũng như những vật đặt trong phòng có thể ảnh hưởng đến chất âm của thiết bị. Vì thế bên cạnh việc xử lý âm học cho phòng, người dùng cần lưu ý đến những vật được trang trí, các món đồ nội thất xuất hiện trong phòng.

Đối với vấn đề xử lý âm học, người dùng có thể áp dụng một vài mẹo nhỏ, không quá tốn kém để đem lại trải nghiệm tốt hơn, chẳng hạn như trải thảm thảm phía trước loa nếu sàn nhà cứng, kéo rèm lại khi đang xem hay đang nghe, sử dụng giá sách có sách ở trên đó hay gắn lên tường các vật liệu có tính năng hút / tán âm để xử lý hiện tượng phản hồi âm. Không đặt bất cứ chướng ngại vật nào ở giữa loa và vị trí ngồi nghe cũng là một cách tốt.

Ngoài ra, tuỳ vào không gian phòng nghe, người dùng có thể sử dụng những loại hệ thống Dolby Atmos khác nhau để đáp ứng nhu cầu. Có 4 loại hệ thống như vậy, gồm hệ thống home theater – in – a – box, tức hệ thống bao gồm 5 hoặc 7 loa nhỏ, một loa subwoofer và một đầu đọc kiêm ampli. Tất cả đều được gói gọn trong một hộp sản phẩm, có cả dây dẫn, đến từ một nhà sản xuất. Tiếp theo là loa soundbar. Ngoài ra còn có hệ thống tích hợp sử dụng một AV receiver và loa cùng nguồn phát và hệ thống tách rời, sử dụng processor kết hợp với power-amp.

Dinh dang Dolby Atmos tot tapchihifi

Nhìn chung, các hệ thống này đều có cùng một mục đích là xử lý âm thanh cho định dạng âm thanh Dolby Atmos, khác biệt duy nhất của chúng chỉ là quy mô và tình huống sử dụng phù hợp. Dolby Technologies luôn khuyến khích ngưởi dùng sử dụng bốn module Dolby Atmos hướng trần hoặc bốn loa âm trần nếu có thể. Điều này sẽ đem đến cảm nhận về vị trí chính xác hơn cũng như âm thanh thực tế hơn. Soundbar là một trường hợp có thể nói là khá đặc biệt. Thiết bị này có những ưu điểm như thiết lập đơn giản, chỉ cần cắm điện là có thể chạy được, hạn chế việc đấu dây và hỗ trợ kết nối không dây, chất âm tốt hơn rất nhiều so với loa TV và tương tác tốt với đặc tính âm học của phòng. Có thể nói soundbar chính là lựa chọn cho những ai muốn trải nghiệm Dolby Atmos nhưng chỉ có một phòng nghe cỡ nhỏ và không muốn phải đầu tư quá nhiều chi phí khác nhau.

 Có thể thấy Dolby Atmos, một trong những chuẩn âm thanh tiên tiến nhất hiện nay đã trở nên khá phổ biến trong sinh hoạt hàng ngày. Hi vọng thông qua video này, người xem sẽ có cái nhìn rõ hơn về chuẩn âm thanh này cũng như đưa ra được quyết định có nên xây dựng một hệ thống âm thanh Dolby Atmos hay không.

Tapchihifi TV