Tìm hiểu về đường cong RIAA | TapChiHiFi TV 155

Rất vui được gặp lại quý vị và các bạn trong video mới nhất của Tapchihifi TV. Một trong những ngộ nhận thường gặp nhất về đĩa than là quan điểm cho rằng âm thanh từ đĩa than là âm thanh “mộc”, không qua bất cứ chỉnh sửa nào. Tuy nhiên, trên thực tế, chất lượng của đĩa than lại phụ thuộc khá nhiều vào cả phono cartridge dùng để đọc cũng như ghi đĩa. Chưa kể, để tạo ra chiếc đĩa than mà chúng ta biết, nhà sản xuất đĩa bắt buộc phải áp dụng một quá trình chỉnh sửa bắt buộc. Bản thân chiếc đĩa than vốn không thể tạo ra được âm thanh hay giống như ta vẫn thường hay nghe. Để có thể chơi tốt, người ta cần sử dụng một loại EQ được gọi là đường cong RIAA. Vậy đường cong RIAA là gì và vì sao việc sử dụng nó lại là bắt buộc? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong video ngày hôm nay nhé.

Khi những bản thu âm đầu tiên cho máy hát dùng ống bọc sáp được sản xuất vào đầu thế kỷ 20, người ta đã nhanh chóng nhận ra rằng rãnh ghi âm cho các dải trầm quá rộng, chiếm nhiều diện tích và làm giảm thời gian của bản ghi. Bên cạnh đó, nhiễu ồn từ các thiết bị điện tử ngày càng trở thành một nỗi lo lớn, thậm chí ám ảnh các kỹ sư lúc bấy giờ, bởi lẽ nhiễu ồn cũng là âm trầm và cũng được ghi lại trên bản thu âm.

Và rồi họ đã nghĩ ra một giải pháp. Tất cả vấn đề đều có thể giải quyết nếu sử dụng công nghệ chỉnh tăng (pre-emphasis) trong quá trình thu âm, tức là điều chỉnh mức độ thu âm của những vùng khác nhau của khoảng tần số có thể nghe được thông qua Equalizer, hay còn gọi tắt là EQ.

nguyen ly RIAA copy

Tuy nhiên, trước đó chưa từng có một tiêu chuẩn dành cho mức độ điều chỉnh được đưa ra. Vì thế các công ty thu âm tự đặt ra mức EQ mà họ cho là tốt nhất. Điều đó đồng nghĩa với việc khi chơi một bản thu âm, người nghe có thể nghe thấy rất nhiều loại âm sắc khác nhau, chưa kể chính bản thân quá trình phát nhạc cũng tự tạo ra âm sắc riêng của mình.

Phải đến tận năm 1954, lúc này mới có một tiêu chuẩn chung được áp dụng cho quá trình thu âm có tên là đường cong RIAA do Hiệp hội ngành công nghiệp ghi âm của Mỹ đề ra. Các vấn đề cần giải quyết đối với bản ghi hát bao gồm: tăng thời gian thu âm bằng cách giảm mức độ của các dải trầm, và giảm diện tích bề mặt của nhiễu ồn bằng cách tập trung vào các dải cao, sau đó áp dụng đường cong RIAA ngược trong quá trình phát lại để đảm bảo đáp tuyến tần số phẳng. RIAA cũng quyết định can thiệp vùng từ 1kHz đến 10kHz để giải quyết hiện tượng sibilance, tức hiện tượng xuất hiện các âm “SSSS” – “SHHHHH” trong khoảng 7kHz – 8kHz.

Như vậy, lúc này đã có hai loại đường cong RIAA là đường cong chỉnh tăng và đường cong hậu giảm

Đường cong chỉnh tăng thường được áp dụng trong quá trình cắt đĩa. khi thiết lập 1kHz ở mức 0dB, có thể thấy ở dải tần 10Hz, quá trình chỉnh tăng tạo suy hao lên đến 20dB và ở 20kHz tăng thêm 20dB. Như vậy, khi sử dụng EQ, chênh lệch giữa dải trầm và dải cao lên tới 40dB. Sở dĩ đây là một đường cong, bởi lẽ có những dải tần số cần được điều chỉnh nhiều nhưng có những dải thì không. Đường cong này thực chất kéo dài tới 50kHz, tương ứng với băng thông của đĩa vinyl, cao hơn so với băng thông của CD cơ bản vốn dừng lại ở mức 44.1kHz.

Khi chơi nhạc từ đĩa vinyl, lúc này đường cong hậu giảm tích hợp cho phono của preamp hoặc receiver sẽ hoạt động. có hướng ngược hoàn toàn so với đường cong chỉnh tăng, mục đích là để khi kết hợp với nhau, hai đường cong sẽ tạo thành một đáp tuyến tần số phẳng, loại bỏ mọi nhiễu ồn, tiếng rít, kéo dài thời gian ghi âm cho đĩa.

Việc áp dụng đường cong RIAA cho tầng phono không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩa, nhưng cũng không đến nỗi quá khó. Không chỉ áp dụng ở điểm cắt tần, đường cong RIAA còn được sử dụng cho toàn bộ dải âm nghe được.

nguyen ly RIAA copy1

Có hai cách để áp dụng đường cong RIAA, cách thứ nhất là phương pháp thụ động, sử dụng một loạt các bộ lọc với mức độ khác nhau. Cách thứ hai là phương pháp chủ động, sử dụng op amp và hồi tiếp với số lượng khác nhau suốt các dải âm nghe được. Những người đề cao sự trung thực của tín hiệu cho rằng phương pháp chủ động không tốt, bởi op amp có hạn chế về điện áp và hồi tiếp âm có thể gây ra méo tiếng. Nhưng trên thực tế, dù áp dụng cách nào thì cũng phải đối mặt với hiện tượng lệch pha. Nếu như ở phân tần, lệch pha làm hỏng hình dạng của sóng âm, gây méo tiếng thì ở trường hợp của đường cong RIAA, hiện tượng lệch pha cũng gây tác động tương tự. Vì bản chất của đường cong này là thay đổi trong suốt quá trình nên lệch pha xuất hiện thường xuyên.

Trên lý thuyết, khi áp dụng đường cong chỉnh tăng cho quá trình thu âm và đường vong hậu giảm cho quá trình phát lại, hiện tượng lệch pha sẽ không xuất hiện, và các dải âm sẽ phải đồng pha với nhau. Nhưng điều đó chỉ xảy ra khi đường cong chỉnh tăng và đường cong hậu giảm thật hoàn hảo, và điều đó là không thể. Vì thế, khi chơi đĩa than, người nghe sẽ cảm thấy âm thanh rất đa dạng và khác lạ do lệch pha xuất hiện ở khoảng nghe được. Do đó, khi nghe đĩa than, người nghe sẽ cảm thấy âm thanh có phần hấp dẫn hơn CD bởi vì đường cong EQ vốn không được áp dụng cho CD.

Như vậy, đường cong RIAA xuất hiện vì một lý do rất thực tế: Kéo dài thời lượng của đĩa than. Tất nhiên, bất cứ phương pháp can thiệp cũng có ưu và nhược điểm của nó và đường cong RIAA không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, đây vẫn là một công cụ cần thiết để tạo ra những bản thu với tiêu chuẩn chất lượng chung, từ đó có thể sử dụng ở mọi mâm đĩa than khác nhau và phono preamp khác nhau. Hi vọng rằng qua video này, quý vị và các bạn sẽ tìm được lời giải đáp cho thắc mắc của mình. Còn giờ, thời lượng của chương trình đã hết. Hẹn gặp lại trong những số tiếp theo của Tapchihifi TV.

Tapchihifi TV