Mâm đĩa than cũng như các thiết bị nguồn phát khác đều có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống âm thanh. Một mâm đĩa than sẽ có các bộ phận chính gồm bệ máy, mâm xoay, trục xoay, hệ cơ và đôi lúc có thêm cả thân phụ. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiều về bộ phận cơ bản nhất của mâm đĩa than: Bệ máy.
Bệ máy của mâm đĩa than có ảnh hưởng rất quan trọng đến chất lượng âm thanh. Một bệ máy tốt thường phải chắc chắn, cấu trúc bệ có khả năng chống rung chấn bởi đây chính là nơi đặt các bộ phận khác của mâm đĩa than lên. Nếu như bệ máy quá yếu, khi hoạt động nó sẽ rung leen và rung chấn đó sẽ truyền sang tay cơ cũng như mâm xoay, khiến âm thanh kém chất lượng hẳn.
Môt mâm đĩa than thường xuất hiện rung chấn bởi bốn loại lực tác động sau: 1) Năng lượng âm học tác động vào cỗ máy (gọi là hồi tiếp); 2) Rung chấn từ cấu trúc đi qua kệ đặt mâm đĩa than; 3) Rung chấn nội tại, sản sinh từ các bộ phận như trục mâm xoay hoặc motor; 4) Rung chấn đi vào tay cơ do điều biến ở rãnh đĩa. Loại rung chấn thứ tư sinh ra chuyển động giữa đầu kim (stylus) với hộp kim (cartridge). Do kim đĩa than không phân biệt được điều biến rãnh đĩa với cộng hưởng của mâm đĩa than nên rung chấn sẽ được chuyển thành tín hiệu điện và được khuếch đại lên. Do đó, những người thiết kế mâm đĩa than thường phải tính toán khá kỹ lưỡng để hạn chế rung chấn xuất hiện.
Trước hết là trường hợp năng lượng âm học tác động vào máy. Nếu như bệ máy không đủ cứng chắc, nó sẽ bắt đầu rung động do có âm thanh tác động vào. Trong những trường hợp nặng nề nhất, loa và mâm đĩa than tạo thành vòng lặp hồi tiếp âm học, trong đó âm thanh của loa tạo ra rung chấn, rung chấn này được kim đĩa than chuyển thành dòng điện, sau đó được khuếch đại và đi qua loa, cứ thế tăng dần khiến cho hồi tiếp ngày càng nghiêm trọng hơn. Hồi tiếp âm học khiến cho âm thanh mất đi sự rõ ràng và chi tiết, vì vậy không thể chơi nhạc ở mức âm lượng lớn được.
Người nghe có thể phát hiện ra hiện tượng này bằng cách đặt kim ở rãnh vào nhưng không cho xoay đĩa, sau đó từ từ tăng dần âm lượng lên. Nếu như có hồi tiếp âm học, những tiếng ù ù sẽ xuất hiện và sau đó ngành càng lớn hơn. Khi thử bằng cách này, cần phải sẵn sàng hạ âm lượng xuống nếu như bắt đầu nghe thấy tiếng, bởi âm thanh nghe rõ như vậy chứng tỏ ampli đang phải làm việc hết công suất. Nếu không hạ xuống ngay thì rất dễ bị hỏng thiết bị. Khả năng chống rung chấn của mâm đĩa than càng tốt bao nhiêu thì hiện tượng này sẽ càng ít nghiêm trọng bấy nhiêu. Hãy thử kiểm tra với cả hai trường hợp có đậy hoặc không đậy nắp chống bụi. Nắp chống bụi rất nhạy với rung chấn và có thể truyền sang bệ máy, từ đó làm giảm chất lượng âm thanh. Đây cũng là lý do nắp chống bụi gần như không xuất hiện ở những mâm đĩa than cao cấp.
Để chống rung chấn hiệu quả, thường bệ máy của mâm đĩa than sẽ được thiết kế thật đồ sộ để khó có thể xảy ra chuyển động. Những vật liệu như ván MDF thường được dùng để làm bệ máy phổ biến nhất. Các mâm đĩa than cao cấp hơn sẽ dùng nhựa acrylic đã qua quá trình xử lý máy. Để giảm rung chấn, người ta sẽ dùng nhiều lớp vật liệu khác nhau hoặc gắn thêm vật liệu giảm chấn cho bệ máy. Chẳng hạn, sử dụng một mảnh vải ướt đặt lên tấm thép trước khi đóng mâm xoay lên. Thay vì nghe thấy tiếng rung khá vang từ mâm xoay, ta sẽ nghe thấy tiếng bịch khá nhỏ và không rõ ràng, đó là vì rung chấn bị triệt tiêu nhanh hơn khi đi qua mảnh vải ướt so với khi đi qua không khí. Nhưng trên thực tế, vật liệu giảm chấn thường là những vật liệu lạ, thậm chí đã có người sử dụng vật liệu cách âm cho vỏ tàu ngầm để giảm chấn cho bệ máy. Ngoài ra, còn có một kỹ thuật chống rung chấn khá đặc biệt, đó là đặt các lớp vật liệu giảm chấn mềm xen kẽ giữa các lớp vật liệu cứng để triệt tiêu rung chấn hiệu quả hơn. Nguyên tắc của phương pháp này như sau: Khi rung chấn truyền qua nhiều lớp vật liệu bất tương đồng, tức có sự ngắt quãng, lực trượt (shear force) sẽ tạo ra biến dạng trượt (shear strain), khiến cho ma sát giữa của năng lượng cơ học bị biến mất do chuyển thành nhiệt. Đôi lúc, người ta còn lắp thêm chì ở cả bệ máy và mâm xoay.
Tuy nhiên, cũng có những nhà thiết kế tin rằng sự ngắt quãng này là sai lầm, vì vậy nên nó không có tác dụng hấp thụ rung chấn mà sẽ phản xạ lại. Những người nạy tin rằng nên sử dụng một khối vật liệu lý tưởng để kết hợp với một hệ thống cách ly tinh vi, từ đó đem đến hiệu năng trình diễn tối ưu nhất.
Ngoài ra, còn có một trường phái thiết kế khác cho rằng bệ máy càng nhẹ càng tốt. Theo quan điểm của trường phái này, một bệ máy nhẹ nhưng cứng chắc là một bệ máy lý tưởng, vì càng nhẹ thì càng ít khối lượng gây ra rung chấn.
(Hết kỳ 1)
Tìm hiểu về mâm đĩa than (phần 2)
Tìm hiểu về mâm đĩa than (phần 3)
Tìm hiểu về mâm đĩa than (phần 4)
Tìm hiểu về mâm đĩa than (phần 5)
Bạn có thể tham khảo sản phẩm khác tại đây
Lịch sử hình thành thương hiệu Tannoy
Thanh Tùng