Sự bùng nổ của hệ thống rạp hát tại gia bắt đầu từ cách đây khoảng 10 năm. Thế nhưng, các công nghệ hỗ trợ cho một hệ thống như vậy đã xuất hiện từ trước đấy khá lâu.
Chúng ta có thể xây dựng rạp hát tại gia, trước hết, từ một hệ thống âm thanh đa kênh. Thay vì sử dụng hai loa đằng trước, hệ thống rạp hát tại gia tận dụng tới 5, 7 hoặc 9 loa bao quanh. Ba loa sẽ được đặt ở đằng trước người xem; hai, bốn hoặc sáu loa surround đặt ở cạnh bên và đằng sau vị trí ngồi xem. Âm thanh đa kênh chính là mấu chốt tạo nên cảm giác âm thanh bao quanh người xem, khiến cho trải nghiệm của hệ thống rạp hát tại gia trở nên chân thực một cách độc đáo, không hệ thống hai kênh nào làm được điều này.
Âm thanh đa kênh surround được mã hóa trên đĩa DVD, Blu-ray, truyền qua vệ tinh và dây cáp dưới định dạng Dolby Digital (đĩa Blu-ray cũng có thể sử dụng những định dạng mã hóa cao cấp hơn). Định dạng Dolby Digital xuất hiện năm 1997 để thay thế cho Dolby Surround cùng biến thể của nó là Dolby Pro Logic. Dolby Digital có thể mã hóa 6 kênh âm thanh rời vào cùng một luồng dữ liệu digital. 6 kênh này là kênh trái, kênh giữa, kênh phải, kênh surround trái, kênh surround phải và kênh hiệu ứng trầm (LFE). Tín hiệu âm thanh sẽ được gửi đến các loa xếp theo vị trí giống như trong hình minh họa trên. Kênh LFE chỉ chứa tín hiệu mang dải bass thấp (20 – 100Hz), do bất cứ loa nào trong hệ thống hoặc do subwoofer riêng biệt tạo ra. Thông thường, người ta sẽ sử dụng một subwoofer để tái tạo âm thanh từ kênh LFE. Với 5 loa xử lý âm thanh cho 5 kênh kết hợp với loa subwoofer cho kênh LFE, ta gọi Dolby Digital là hệ thống âm thanh 5.1, với con số .1 tương ứng với kênh LFE. Ngoài Dolby Digital, ta còn có Digital Theater Systems (DTS), một loại định dạng âm thanh surround khác trên các đĩa DVD và Blu-ray cũng đem 5.1 kênh âm thanh lên hệ thống rạp hát tại gia. Ngoài hai định dạng này, chúng ta còn có các định dạng khác cao cấp, tiên tiến hơn trên đĩa Blu-ray (Dolby Digital Plus, DTS HD, Dolby TrueHD và DTS HD Master Audio) dành cho trường hợp 7 kênh âm thanh riêng kết hợp subwoofer (hệ thống 7.1).
Công việc giải mã các luồng dữ liệu Dolby hoặc DTS, sau đó chuyển dữ liệu từ digital thành analog sẽ do các bộ xử lý âm thanh đa kênh đảm nhiệm. Ngoài việc giải mã âm thanh đa kênh, các thiết bị này còn nhận tín hiệu audio và video từ nguồn phát (đầu đĩa, tuner, music server), lựa chọn xem tín hiệu nào cần giải mã, khuếch đại bởi hệ thống, sau đó gửi lại về màn hình. Bộ xử lý cũng có nhiệm vụ xử lý tín hiệu digital, điều chỉnh volume tổng thể và thực hiện tinh chỉnh cho từng kênh riêng.
Thông thường, một bộ xử lý sẽ có 8 kênh line-level đầu ra, gồm kênh trái, giữa, phải, trái bên cạnh, phải bên cạnh, trái đằng sau, phải đằng sau và kênh subwoofer. Hệ thống rạp hát tại gia có thể linh động, là hệ thống 5.1 hoặc 7.1. Các định dạng âm thanh mới hơn như Dolby Digital Plus, Dolby TrueHD, DTS HD, và DTS HD Master Audio đều là định dạng dùng cho hệ thống 7.1. Lý do các bộ xử lý hiện đại có đến 8 kênh là để tương thích với hệ thống này.
Trong một hệ thống 7.1 đơn giản, bộ xử lý âm thanh đa kênh sẽ kết nối với một power-amp có 7 kênh, đủ để phối ghép với các loa xuất hiện trong hệ thống (bộ xử lý sẽ có đường tín hiệu LFE riêng nối tới loa subwoofer). Một power-amp đa kênh có số lượng kênh đa dạng, có thể từ 3 đến 11 kênh trong cùng một thân máy. Trong trường hợp không muốn để một power-amp xử lý hết toàn bộ tín hiệu vì có thể ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh, người dùng có thể dùng một power-amp 3 kênh cho các kênh trái, phải, giữa ở đằng trước, hai power-amp stereo cho các kênh bên và kênh đằng sau. Subwoofer không cần phải có power-amp vì hầu hết loa subwoofer hiện nay đều được tích hợp ampli để điều khiển driver woofer.
AV receiver là trường hợp khá đặc biệt. Đây là thiết bị tích hợp mạch xử lý âm thanh cùng mạch khuếch đại đa kênh trong cùng một thân máy. Nếu muốn xây dựng một hệ thống đa kênh không quá đắt đỏ thì đây sẽ là lựa chọn tốt. Thế nhưng, nếu nâng cấp từ hệ thống stereo đã có sẵn hoặc sử dụng kết hợp cả hai mục đích nghe nhạc / xem phim, sử dụng bộ xử lý âm thanh kết hợp power-amp đa kênh sẽ hợp lý hơn.
Trong một hệ thống đa kênh, loa trái / phải đằng trước sẽ xử lý nhạc nền cũng như các hiệu ứng âm thanh, trong khi loa center chủ yếu để xử lý hội thoại và bổ sung thêm cho các hiệu ứng trực tiếp. Việc sử dụng ba loa ở đằng trước sẽ khiến vị trí âm thanh trong âm trường trở nên chính xác hơn, từ đó âm thanh sẽ khớp với hình ảnh trên màn hình hơn chứ không còn cảm giác về khoảng trống ở giữa hai loa trước nữa.
Các loa surround lại có một nhiệm vụ khác. Chúng thường được thiết kế nhỏ hơn loa trước và sử dụng ít năng lượng hơn. Vì thế, ngoài việc đặt trên chân kê, các loa này còn có thể treo ở trên tường. Loa surround có vai trò tạo âm thanh bao quanh, từ đó tái hiện lại không khí bên trong cảnh phim. Chẳng hạn, cảnh ở rừng rậm sẽ có tiếng chim kêu, tiếng gió thổi, cảnh trong thành phố sẽ có tiếng xe cộ và người qua lại. Những gì mà loa surround đóng góp tuy không nhiều nhưng rất quan trọng. Việc thiết lập các loa này sẽ tạo ra một lớp âm thanh bao bọc quanh người nghe, từ đó khiến trải nghiệm trở nên chân thực hơn.
Các bạn có thể tham khảo các sản phẩm khác tại đây
Những cặp loa có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử 2
Nguyễn Hào