Kể từ thời kỳ của The Rank Organisation, Wharfedale đã trải qua rất nhiều thay đổi lớn để trở thành một thương hiệu âm thanh mà chúng ta biết đến ngày nay.
Thời kỳ The Rank
Cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, Wharfedale chính thức được bán lại cho một ông lớn trong ngành giải trí – The Rank Organisation. Trong kỷ nguyên của The Rank, có hai sự thay đổi quan trọng đã diễn ra: Wharfedale là thương hiệu tiên phong trong việc dùng nam châm gốm, và bên cạnh đó, họ cũng lần đầu giới thiệu viền cuộn cho màng loa nón.
Nhu cầu cho sản phẩm của Wharfedale tăng cao đến mức việc di chuyển đến một cơ sở sản xuất lớn hơn là điều bắt buộc. Vì thế, năm 1967, Wharfedale chuyển đến một cơ sở mới ở đường Bradford. Thời gian trôi nhanh tới mức ở giai đoạn này, một thế hệ khách hàng mới cũng bắt đầu xuất hiện.
Thế hệ này là thế hệ khách hàng trẻ, có nhu cầu sở hữu những cặp loa không chỉ mang chất âm hay mà còn phải có ngoại hình phù hợp với ngôi nhà của họ. Đây chính là thời kỳ của loa bookshelf, và cũng là lúc những mẫu loa như Linton hay Denton hình thành nên tương lai cho Wharfedale.
Thập niên 80 – Thập niên của Diamond
Bước sang những năm 80, Wharfedale lại sở hữu trong tay những công nghệ mới, đầy hữu ích như Laser Holography. Những công nghệ mới, cao cấp, có thể xử lý bằng máy tính đã góp phần làm nên sự tiến hóa cho các cặp loa, đồng thời cũng đem đến hiểu biết sâu sắc hơn về công nghệ làm loa. Thiết kế loa giờ đây đã có những bước tiến khá lớn, từ môn nghệ thuật đầy cảm tính trở thành một môn khoa học đúng nghĩa.
Trong năm 1982, Wharfedale đã đem đến thị trường âm thanh dân dụng một thứ sau này sẽ trở thành huyền thoại, không chỉ của riêng họ mà còn là của cả thế giới: Dòng loa Wharfedale Diamond. Mẫu loa đầu tiên – Diamond Mk1 ra mắt năm 1982 sử dụng khá nhiều công nghệ được phát triển dành cho dòng loa hi-end TSR102.
Sử dụng một trong số các driver của TSR102, với tweeter màng vòm mềm khá đơn giản được đặt bên trong một thùng loa nhỏ gọn, có lỗ thông hơi đằng sau, tất cả những điều đó góp phần làm nên thành công ngay trước mắt. Thời điểm ấy, tạp chí What Hi-fi đánh giá như sau, “So với kích cỡ của mình, cặp loa tạo nên âm thanh rất lớn. Giá của chúng là 65 Bảng Anh và điều đó khiến chúng sở hữu giá trị rất cao so với giá thành của mình.”
Tóm lại, Wharfedale Diamond là một cặp loa rất hoàn hảo: Kích thước nhỏ, giá thành hợp lý với chất âm hay, âm lượng đủ lớn. Kể cả khi chưa đủ chất lượng để làm loa tham chiếu cho studio, đây vẫn là một cặp loa rất tốt. Wharfedale Diamond chính là trụ cột làm nên thành công lớn của Wharfedale cho đến tận ngày nay.
Thập niên 90 lại đánh dấu sự thay đổi của Wharfedale khi Verity Group chính thức mua lại Wharfedale từ công ty mẹ The Rank Organisation. Verity Group khi ấy cũng sở hữu hai thương hiệu lớn là Quad và Leak. Như vậy, đến thời điểm này, bộ ba thương hiệu Hi-Fi nổi tiếng nhất của nước Anh chính thức tái hợp lại với nhau.
Kể từ năm 1982, dòng loa Diamond của Wharfedale đã trở thành dòng loa bán chạy nhất, đồng thời cũng là dòng loa thành công nhất của Wharfedale. Không có gì sai khi cho rằng Diamond chính là mẫu loa dành cho những ai muốn trải nghiệm một sản phẩm tốt nhất trong tầm giá với mức chi phí cực kỳ hạn chế.
Với sự thành công như vậy, Wharfedale cũng hết lòng chăm chút, thiết kế lại và cải tiến rất nhiều cho các mẫu loa Diamond. Diamond 4 có lẽ là phiên bản thiết kế lại với ngoại hình đáng chú ý nhất. Kể từ sau đó, cứ mỗi thế hệ lại đem đến những thay đổi đáng kể về xu hướng thiết kế và thay đổi, cải tiến cho sản phẩm.
Năm 2001, Wharfedale, khi ấy đã là một phần của International Audio Group cùng Quad và Leak, chính thức ra mắt dòng loa Diamond 8. Với nón loa sợi dệt Kevlar màu vàng đặc trưng, Diamond 8 đen đến một công nghệ khá cao cấp nhưng vẫn ở mức giá rất dễ tiếp cận. Cũng từ giai đoạn này, Wharfedale phát triển thêm loa sàn đứng, loa center và subwoofer cho dòng Diamond, sẵn sàng để đưa dòng sản phẩm đầy thanh công này bước vào thị trường AV.
3 năm sau đó, Wharfeale lại tiếp tục thay đổi cho dòng Diamond với sự xuất hiện của Diamond 9, dòng loa “hút” giải thưởng cho Wharfedale suốt nhiều năm liền. Cốt lõi của Diamond 9 vẫn là những giá trị quen thuộc như giá thành hợp lý, hiệu năng trình diễn vượt trội so với giá thành…
Diamond 200 – dòng loa Diamond của thế kỷ 21
Vẫn chưa ngừng tham vọng với loạt Diamond, kể từ 2015 đến nay, Wharfedale lại tiếp tục khẳng định vị trí của mình với dòng Diamond 200 – một dòng loa vẫn giữ truyền thống được đánh giá cao, nhận nhiều giải thưởng. Diamond 200 hiện tại sở hữu khá nhiều sản phẩm, gồm ba mẫu loa bookshelf (Diamond 210, 220, 225), ba mẫu loa sàn đứng (230, 240, 250) và hai loa center (220 và 240).
Bên cạnh những driver sử dụng vật liệu kevlar kể từ thời Diamond 8, bộ phận nghiên cứu và phát triển của Wharfedale tiếp tục cải tiến mạnh mẽ cho thiết kế driver cũng như cấu trúc thùng loa. Cụ thể hơn, thùng loa của các mẫu loa Diamond 200 sử dụng composite mật độ cao với lỗ thông hơi được thiết kế lại để giảm thiễu nhiễu ồn do cổng bass phản xạ tạo nên. Ngoài ra, phân tần của loa cũng được thiết kế lại, nam châm được sử dụng cũng mạnh hơn, tất cả những điều đó kết hợp với tiến bộ trong công nghệ sản xuất driver đã khiến Diamond 200 trở thành dòng loa nổi bật nhất của Wharfedale, Hi-Fi World đã viết về dòng loa này như sau:
“Đứng ở bất cứ tiêu chuẩn nào, Diamond vẫn là dòng loa đáng giá về mặt âm nhạc. Còn ở phương diện giá thành, chúng quả thực rất tuyệt vời.”
Wharfedale – Lịch sử một thương hiệu lâu đời của Anh (phần 1)
Các bạn có thể tham khảo các sản phẩm khác tại đây
Hướng dẫn lựa chọn loa bookshelf
Nguyễn Hào