Ở kỳ trước, ta đã thấy rằng DSP là một công cụ hoàn hảo, rất đắc lực cho việc cân chỉnh phòng. Thế nhưng, bản thân DSP vẫn còn những nhược điểm nhất định, cần được khắc phục dần trong tương lai.
Với những gì đã nói về DSP ở kỳ trước, nhiều người sẽ cho rằng hệ thống cân chỉnh phòng nghe sẽ tạo nên đáp tuyến phẳng hoàn hảo tại vị trí ngồi nghe. Tuy nhiên điều đó chưa hẳn đã đúng. Trên thực tế, đáp tuyến tần số phẳng thật sự sẽ có chất âm mỏng, thiên sáng và bị thiếu bass. Do đó, đáp tuyến tần số lý tưởng sẽ nhiều năng lượng hơn ở các dải bass và giảm dần ở vùng treble. Một số hệ thống cân chỉnh phòng không cho phép người dùng được lựa chọn đường cong đáp tuyến theo ý mình, do đó họ chỉ có thể sử dụng đáp tuyến mà người thiết kế cho là lý tưởng nhất. Những hệ thống như vậy có thể cải thiện âm trầm khá tốt, nhưng đồng thời cũng khiến cho chất âm tổng thể bị sáng lên khá nhiều. Những hệ thống cân chỉnh phòng sử dụng DSP khác cho phép người dùng được lựa chọn một trong số những đường cong đáp tuyến mục tiêu, thậm chí tự tạo nên đường cong đáp tuyến của riêng mình. Đường cong ấy sẽ được áp dụng để tạo nên đáp tuyến ở tại vị trí ngồi nghe.
Một yếu tố kỹ thuật của hệ thống cân chỉnh phòng có vai trò rất quan trọng, cần lưu ý là độ phân giải tần số (tức số lượng dải tần số trong 1 cụm bị chịu ảnh hưởng). Yếu tố này cho biết liệu hệ thống có thể chỉnh được những đỉnh và đáy rất hẹp ở trên đáp tuyến tần số hay không. Chẳng hạn, một hệ thống cân chỉnh với độ phân giải tần số là 10Hz (tức cụm tần số do DSP điều chỉnh sẽ bao quát 10 dải tần số) sẽ không thể chỉnh được đỉnh hoặc đáy với độ rộng 8Hz. Một vài hệ thống có độ phẩn dải nhỏ hơn cả 1Hz, do đó có thể chỉnh bất cứ đỉnh hay đáy năng lượng nào.
Cần lưu ý rằng các hệ thống cân chỉnh phòng chỉ tác động được lên tín hiệu digital, vì thế mọi tín hiệu analog như đĩa than cần phải được chuyển đổi thành digital, sau đó mới quay ngược lại về dạng analog. Đó là lý do vì sao hầu hết hệ thống cân chỉnh phòng đều được tích hợp bộ chuyển đổi analog sang digital (ADC – analog-to-digital converter). Tín hiệu digital, chẳng hạn như từ music server, sẽ được đưa trực tiếp vào hệ thống cân chỉnh, hoặc sẽ được chuyển thành tín hiệu analog để có thể gửi sang power-amp, hoặc giữ nguyên dạng digital và cần phải chạy qua DAC hoặc bộ xử lý tín hiệu digial bên ngoài. Mặc dù cân chỉnh phòng nghe sẽ giúp cải thiện âm bass trong phòng đáng kể, một số audiophile vẫn rất miễn cưỡng khi phải digital hóa kho nhạc đĩa than của mình. Sự thuần khiết của chất âm analog sẽ bị tác động đáng kể trong quá trình chuyển đổi sang digital, và nhiều người cho rằng điều này còn tệ hơn cả bị phòng nghe hay loa ảnh hưởng đến.
Tuy nhiên, những năm gần đây, công nghệ đã hiệu quả đến mức vừa có thể loại bỏ hiện tượng lên màu âm bass do phòng nghe gây ra, vừa hồi phục lại độ rõ ràng, chi tiết của bản nhạc. Nhờ vào hệ thống cân chỉnh, chất âm có phần sáng hơn, đảm bảo được tốc độ cũng như độ chi tiết mà nếu sử dụng cách xử lý phòng nghe khác, chắc chắn sẽ không thể làm được. Chất âm tổng thể lúc này sẽ không còn cảm giác bị nghẹn ở midbass, trong khi các dải siêu trầm sẽ có lực mạnh hơn hẳn. Bên cạnh đó, âm trường cũng được cải thiện vì đáp tuyến tần số giống nhau giữa hai bên loa là yếu tố quan trọng để tạo nên âm hình chính xác (đây cũng là lý do vì sao người nghe cần phải chỉnh góc giữa hai bên loa giống nhau hoàn toàn). Với âm thanh từ các loa phát ra được cảm nhận giống nhau, âm hình sẽ tập trung hơn và âm trường cũng trở nên sắc nét hơn.
Xét về nhược điểm, cân chỉnh phòng nghe bằng DSP có thể làm thay đổi chất âm tổng thể của hệ thống. Nếu người nghe thực sự yêu thích chất âm ban đầu mà hệ thống mang lại, khả năng cao là sau khi dùng DSP, họ sẽ thất vọng hoàn toàn. Mặc dù cân chỉnh phòng nghe chủ yếu là đem lại chất lượng âm bass tốt hơn, chúng ta không thể phủ nhận rằng các dải midrange sẽ kém tự nhiên hơn, trong khi treble đôi lúc sẽ bị sáng quá mức, khiến việc nghe lâu trở nên khá mệt mỏi.
Nếu như người dùng sử dụng hệ thống loa vệ tinh / subwoofer, việc cân chỉnh phòng có thể cải thiện âm bass mà không làm ảnh hưởng đến midrange và treble. Không ít thiết bị cân chỉnh phòng hiện nay chỉ hoạt động trên loa subwoofer, hoàn toàn bỏ qua tín hiệu từ loa vệ tinh. Nhờ vậy, người nghe có thể trải nghiệm tốt nhất ở tất cả các dải âm.
Các bạn có thể tham khảo các sản phẩm khác tại đây
Nuda – Nối tiếp sự ấn tượng của Viva Master Horn
Nguyễn Hào