Xây dựng một phòng nghe từ giai đoạn nền móng: Kỹ thuật Walldamp

Walldamp là tên một phương pháp do tập đoàn Acoustic Sciences Corporation (ASC) giới thiệu. Đây được xem như là phương pháp hiệu quả trong việc chống cộng hưởng tường ngay từ giai đoạn thiết kế và xây dựng.

Trên thực tế, không phải bức tường nào cũng cần áp dụng phương pháp Walldamp. Tại các nước phương Tây, hầu hết nhà ở đều được xây dựng bằng phương pháp đắp tường khô (drywall – tấm tường làm sẵn bằng thạch cao) lên một bộ khung làm từ nhiều ô khung gỗ nhỏ hơn. Ở Việt Nam hiện nay một số nơi cũng bắt đầu áp dụng phương pháp này. Nhìn chung cách xây dựng nói trên sẽ gây ra những vấn đề âm học có thể nghe thấy rõ, trong khi với những công trình được xây dựng bằng vật liệu dày đặc hơn, chúng không hề xuất hiện. Cụ thể, khi âm thanh va đập vào bức tường được làm từ tường khô và khung gỗ, cộng hưởng ở tần số 70Hz sẽ xuất hiện. Âm thanh bị chuyển thành năng lượng cơ học (do tường rung chuyển), sau đó hóa thành năng lượng âm học (tường khi rung sẽ hoạt động giống như màng loa). Âm rung của tường kết hợp với nhạc sẽ tạo thành một thứ âm thanh khá khó nghe ở một dải tần số nhất định. Tệ hơn, năng lượng âm học do tường tạo nên sẽ bị xả ra một cách khá chậm, làm thay đổi hẳn tính động của bản nhạc.

phong ngeh asc

Hiện tượng này được biết đến với cái tên cộng hưởng khung tường, đem đến một loại lên màu âm rất lạ tác động tới âm thanh tái tạo. Để hình dung ra hiện tượng này, hãy thử đấm nhẹ lên tường và nghe tiếng uỵch dội lại. Âm thanh của hiện tượng lên màu âm này sẽ do chuyển động của tường với những đặc tính âm thanh giống với tiếng mở đầu của double bass hay tiếng nổ hiệu ứng âm thanh phim. Kết quả là các lớp âm thanh chồng lấn lên nhau với cùng một đặc điểm, khiến chất lượng âm thanh bị xuống cấp hẳn. Những căn nhà được xây bằng tường gạch vững chãi, bằng tường thạch cao dày hay bê tông sẽ không gặp phải hiện tượng kể trên.

Mặc dù tiêu âm lắp trong phòng có thể ổn định không khí ở phòng nghe, chúng không hề có tác động nào đến cộng hưởng khung tường. Giữ cho vách tường ổn định dưới tác động của những âm thanh tức thời với âm lượng rất lớn đòi hỏi người xây dựng cần chú ý rất nhiều đến cấu trúc của tường. Nếu như xây mới nhà hay tu sửa lại, người nghe có thể giảm cộng hưởng khung tường cũng như cách li phòng nghe cùng một lúc. Có một phương pháp thường được áp dụng là sử dụng tường khô hai lớp với vật liệu giảm chấn ở giữa các lớp tường. Cần lưu ý rằng đây là một loại vật liệu rất đặc biệt, vì thế giá thành không hề rẻ chút nào.

asc 2000

Lựa chọn thứ hai là sử dụng các vật liệu và kỹ thuật Walldamp của ASC, được thể hiện ở hình ảnh trên. Bước đầu tiên là lắp đặt những “kênh” kim loại đàn hồi (được đánh số 3 trong hình) giữa khung gỗ và lớp đầu tiên của tường khô. Các “kênh” đàn hồi này hoạt động giống như lò xo, cách li tường khỏi khung gỗ và ngăn không cho cộng hưởng 70Hz diễn ra. Tuy nhiên, nếu chỉ để không như vậy, phòng nghe sẽ có chất âm rất khủng khiếp, toàn bộ bức tường sẽ hoạt động giống như mặt trống, sinh ra cộng hưởng khi có bất cứ âm thanh nào va vào nó.

Đấy là lúc mà Walldamp và lớp tường khô thứ hai phát huy tác dụng. Walldamp ở trong hình trên còn bao gồm những ô bọc giấy nhựa (được đánh số 7 trong hình) ở cả hai mặt, được gắn chặt bằng một loại keo đặc biệt. Khi đặt giữa hai lớp tường khô, lớp keo sẽ hấp thu năng lượng nhờ vào cơ chế gọi là cơ chế cắt giảm ứng suất trượt (shear stress damping). Như vậy, khi hai lớp tường khô rung chuyển, lớp keo sẽ hấp thụ năng lượng ở cấp độ phân tử. Đặc biệt, lớp keo này chuyển năng lượng cơ học của tường thành một lượng nhiệt rất nhỏ. Kết quả là năng lượng âm học khi va vào tường sẽ bị hấp thụ bởi kỹ thuật Walldamp thay vì phản hồi lại ra phòng nghe. Lúc này, tường phòng nghe không còn rung chuyển khi bị tác động âm thanh nữa mà sẽ đứng yên giống như tường thạch cao lớp dày.

phong nghe asc 1

Bên cạnh đó, vách tường giờ sẽ hoạt động giống như một tiêu âm bass cỡ lớn, phản ứng với các dải siêu trầm – điều mà hầu hết các phòng nghe hiện nay đang cần. Những căn phòng như vậy không cần dùng nhiều tiêu âm bass bởi chính bản thân căn phòng là tiêu âm luôn. Một lợi ích khác của kỹ thuật này là âm thanh giờ rất khó để lọt ra khỏi phòng. Người nghe có thể để mở âm lượng lớn đến mức nào cũng được mà không sợ làm phiền đến người khác. Điều hấp dẫn nhất là kỹ thuật xây dựng này không hề tốn kém, do đó rất nhiều người khi xây dựng phòng nghe từ đầu đã nhắm đến việc áp dụng Walldamp vào thiết kế của mình.

Bạn có thể tham khảo sản phẩm khác tại đây

Hướng dẫn cơ bản cho đặt vị trí loa trong hệ thống stereo

Bách Diệp